![]() |
Phát động cuộc thi tìm hiểu “50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk |
Sáng 10/2, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, Ban tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột đã long trọng diễn ra Lễ phát động cuộc thi trực tuyến tìm hiểu “50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk” (10/3/1975 - 10/3/2025).
Tham dự lễ phát động có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, Trưởng Ban tổ chức các hoạt động kỷ niệm Nguyễn Tuấn Hà; đại diện lãnh đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, các sở, ban, ngành cấp tỉnh và tương đương; lãnh đạo các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy cùng 500 cán bộ, đoàn viên thanh niên của tỉnh.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Tuấn Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Chiến dịch Tây Nguyên, đặc biệt là mục tiêu Buôn Ma Thuột. Ông cho biết, cách đây 50 năm, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã quyết định mở chiến dịch này với Buôn Ma Thuột là mục tiêu chiến lược. Việc đánh chiếm thành phố này không chỉ có ý nghĩa về mặt quân sự mà còn tạo ra tiền đề quan trọng cho việc giải phóng Tây Nguyên và tiến công vào Sài Gòn.
![]() |
Ông Nguyễn Tuấn Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại buổi lễ phát động |
"Chỉ trong 20 ngày trong tháng 3/1975, quân chủ lực của ta đã đánh bại và làm tan rã toàn bộ quân chủ lực của địch trên địa bàn Đắk Lắk và Tây Nguyên; hỗ trợ, tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang địa phương tiêu diệt bọn địch ở cơ sở; phát động quần chúng nổi dậy làm chủ và giải phóng hoàn toàn 3 đơn vị hành chính của Đắk Lắk với khoảng 400 nghìn dân. Đến 24/3/1975, tỉnh Đắk Lắk hoàn toàn được giải phóng", ông Hà ôn lại chiến thắng Buôn Ma Thuột.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân về ý nghĩa lịch sử 50 năm chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk.
Đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền theo dõi chỉ đạo sát sao việc triển khai thực hiện cuộc thi tại địa phương, đơn vị; tạo điều kiện cho các đối tượng tích cực hưởng ứng, tham gia cuộc thi đạt kết quả cao…
![]() |
Ông Huỳnh Chiến Thắng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk thông qua thể lệ Cuộc thi |
Phát biểu hưởng ứng Cuộc thi, đại diện thế hệ trẻ Đắk Lắk - anh Nguyễn Tùng Lâm (Hội đồng Đội TP Buôn Ma Thuột) khẳng định, chiến thắng Buôn Ma Thuột là bản hùng ca mùa Xuân đất nước.
"Chiến thắng Buôn Ma Thuột mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc như một khúc ca hùng tráng, một chiến công oanh liệt tô thắm truyền thống vẻ vang của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk. Thế hệ trẻ hôm nay nguyện hứa, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hăng hái thi đua, tìm hiểu lịch sử để lan tỏa tình yêu quê hương, đất nước đến thế hệ trẻ trong và ngoài nước", anh Lâm nhấn mạnh.
Cuộc thi diễn ra theo hình thức thi trắc nghiệm trên nền tảng Internet, được tổ chức bắt đầu từ ngày 10/2 và kết thúc vào ngày 28/2/2025. Thí sinh là công dân Việt Nam sinh sống trong và ngoài tỉnh Đắk Lắk có thể lựa chọn tham gia Cuộc thi qua hai hình thức: tham gia dự thi tại địa chỉ: https://50namchienthangbmt.daklak.gov.vn/ hoặc quét mã QR link Cuộc thi được đăng và chuyển tải trên môi trường Internet (qua mạng xã hội Facebook, Zalo).
Thực hiện xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, đô thị văn minh, phát triển kinh tế số và xã hội số, đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp về chuyển đổi số nhằm xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, tạo cơ sở phát triển kinh tế-xã hội trong thời kỳ mới. Đồng thời, huy động nguồn lực, có kế hoạch triển khai thực hiện các công trình, phần việc chào mừng một cách ý nghĩa, thiết thực…
![]() |
Các đại biểu ấn nút phát động cuộc thi trực tuyến tìm hiểu "50 Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk" |
Tích cực thi đua thực hiện công tác cải cách hành chính thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý một cách sáng tạo, hiệu quả; tăng cường kỷ luật kỷ cương trên tinh thần nâng cao chất lượng tham mưu của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện nhiệm vụ “Làm hết việc, không phải làm hết giờ làm việc” gắn với phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” và việc chấp hành tốt chế độ, đạo đức công vụ, cải tiến lề lối làm việc, tác phong phong cách công tác, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ./.