Năm 2025, tình hình thiên tai dự báo diễn biến phức tạp với nhiều yếu tố khó lường. |
Năm 2025, tình hình thiên tai dự báo diễn biến phức tạp với nhiều yếu tố khó lường. Mặc dù các hiện tượng như bão, áp thấp nhiệt đới, nắng nóng, không khí lạnh được dự báo tương đương trung bình nhiều năm, nhưng không loại trừ khả năng xuất hiện các đợt thiên tai mạnh, cực đoan, gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mùa bão 2025 trên Biển Đông có khả năng xuất hiện tương đương trung bình nhiều năm, với số lượng bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến đất liền ở mức xấp xỉ. Tuy nhiên, cần đặc biệt lưu ý đến khả năng xuất hiện các cơn bão mạnh, có quỹ đạo phức tạp, khó dự đoán, tương tự như cơn bão số 3 (Yagi) năm 2024.
Hiện tượng nắng nóng cũng được dự báo tương đương trung bình nhiều năm, nhưng không vì thế mà chủ quan. Các đợt nắng nóng có thể không kéo dài và gay gắt như năm 2024, song vẫn cần đề phòng nguy cơ xảy ra các đợt nắng nóng cục bộ, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và hoạt động sản xuất.
Về không khí lạnh, năm 2025 dự báo hoạt động tương đương trung bình nhiều năm, song cần đề phòng các đợt không khí lạnh mạnh, gây rét đậm, rét hại trên diện rộng, đặc biệt là ở khu vực vùng núi phía Bắc. Nguy cơ băng giá, sương muối cũng cần được quan tâm, có biện pháp phòng tránh hiệu quả.
Mưa lớn diện rộng được dự báo xảy ra xấp xỉ trung bình nhiều năm, bắt đầu từ tháng 6 ở Bắc Bộ và kéo dài đến tháng 12 ở các tỉnh Trung Bộ. Các đợt mưa lớn có thể gây ra lũ lụt, ngập úng, sạt lở đất, đặc biệt là ở các khu vực miền núi và trung du.
Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long được dự báo ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, gây ảnh hưởng đến dân sinh và sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, tình hình xâm nhập mặn không được dự báo nghiêm trọng như các năm 2015-2016 và 2019-2020.
Trước tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, công tác phòng chống và ứng phó cần được đặc biệt chú trọng. Kinh nghiệm từ năm 2024 cho thấy, sự chủ động, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, ứng dụng công nghệ dự báo, cảnh báo sớm là chìa khóa để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh thể chế, chính sách, lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển. Rà soát, điều chỉnh các quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng cơ sở hạ tầng, đảm bảo an toàn trước thiên tai.
Đặc biệt, cần tăng cường đầu tư cho công nghệ dự báo, cảnh báo sớm, hiện đại hóa hệ thống quan trắc, phát triển các mô hình dự báo tiên tiến, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong dự báo, cảnh báo thiên tai.
Công tác truyền tin dự báo, cảnh báo thiên tai cần được cải tiến, đảm bảo thông tin đến được với người dân một cách nhanh chóng, chính xác, dễ hiểu. Nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống thiên tai, trang bị kiến thức, kỹ năng ứng phó cho người dân.