Nghi thức cúng thần linh trong Tết Ngã rạ. |
Gìn giữ và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống
Tết Ngã rạ – hay còn gọi là Giã rạ, tiếng Cor là “xa a-nít”, là một trong những lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Cor. Tại thôn Thọ An, xã Bình An, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi – nơi có 95% dân cư là người Cor, Tết Ngã rạ năm nay được tổ chức vào ngày 26/10 âm lịch. Đây không chỉ đơn thuần là dịp tổng kết một năm sản xuất mà còn là lời tri ân sâu sắc gửi đến thần linh, tổ tiên và là khoảnh khắc để cả cộng đồng gắn kết, sẻ chia.
Đối với người Cor, Tết Ngã rạ mang ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Tên gọi “Ngã rạ” bắt nguồn từ hình ảnh những gốc rạ ngoài đồng đã đổ xuống sau vụ thu hoạch, biểu trưng cho sự khép lại một năm sản xuất và chào đón một giai đoạn mới tràn đầy hy vọng.
Theo truyền thống, khi gia đình cuối cùng trong làng đưa lúa lên chòi, già làng sẽ chọn ngày lành để tổ chức Tết Ngã rạ. Già làng Trụ Văn Hải (thôn Thọ An, xã Bình An, huyện Bình Sơn), chia sẻ: “Tết Ngã rạ được coi như Tết Nguyên Đán của đồng bào Cor. Đây không chỉ là ngày lễ của riêng từng gia đình mà còn là sự kiện thiêng liêng của cả cộng đồng, nơi mọi người cùng dâng lên thần linh những gì tốt đẹp nhất để tri ân và cầu mong một năm mới an lành”.
Bánh lá đót là một loại bánh truyền thống không thể thiếu trong Tết Ngã rạ của đồng bào Cor, thể hiện sự no đủ, đầm ấm. |
Lễ cúng Tết Ngã rạ được tổ chức trang nghiêm tại nhà sàn truyền thống của thôn Thọ An. Các mâm cúng thần lúa, thần nước và các vị thần linh được chuẩn bị chu đáo. Trâu, bò là động vật linh thiêng nhất, được dâng lên để cúng thần giữ giống lúa Mo Hwýt, cầu mong mùa lúa tốt tươi. Heo được chọn để cúng bà Chúa Ngọc, trong khi gà được dâng cúng tổ tiên, biểu trưng cho lòng biết ơn. Những nghi thức này được thực hiện dưới sự chủ trì của già làng, người có uy tín trong cộng đồng. Già làng Trụ Văn Hải nói: “Chúng tôi dâng lên thần linh những lễ vật quý giá này, mong các ngài phù hộ cho dân làng được mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu”.
Sau nghi thức cúng tế, không khí lễ hội trở nên sôi động với tiếng cồng, chiêng và các điệu múa đặc trưng. Múa Cà đáo là một điệu múa truyền thống không thể thiếu trong Tết Ngã rạ. Những người tham gia nhảy múa thành vòng tròn, thể hiện sự kết nối giữa con người và thiên nhiên, giữa thần linh và cộng đồng. Tiếng chiêng vang vọng khắp bản, tạo nên không gian linh thiêng và phấn khởi.
Bánh lá đót cũng là món ăn không thể thiếu trong dịp này. Những chiếc bánh được gói từ lá đót, nhân đậu xanh và thịt, dâng lên trong lễ cúng như một lời cảm tạ với thiên nhiên đã ban cho mùa vụ bội thu.
Bên cạnh nghi thức cúng tế, Tết Ngã rạ còn là dịp để cộng đồng gắn kết và chia sẻ niềm vui. Những trò chơi dân gian như thi gói bánh, giã gạo, thi cà kheo giúp mọi người giao lưu, tăng cường tình đoàn kết. Già làng Trụ Văn Hải tâm sự: “Tết Ngã rạ là dịp để chúng tôi động viên nhau, cùng vững bước hướng về tương lai. Đây cũng là dịp để chúng tôi gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình”.
Phụ nữ Cor gói nhiều loại bánh để dâng lên thần linh trong Tết Ngã rạ. |
Mỗi nghi thức, mỗi điệu múa, mỗi món ăn trong Tết Ngã rạ đều chứa đựng thông điệp về lòng biết ơn và sự tôn kính đối với thiên nhiên và tổ tiên. Lễ hội này không chỉ là thời gian để tưởng nhớ về quá khứ mà còn là dịp để cộng đồng Cor tiếp nối những giá trị văn hóa, truyền tải những nét đẹp thiêng liêng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tết Ngã rạ là minh chứng cho sự gắn kết cộng đồng và bảo tồn bản sắc văn hóa, dù trong bối cảnh xã hội hiện đại.
Chung tay gìn giữ
Trong những năm gần đây, nhờ vào sự quan tâm của các cấp chính quyền và sự chung sức, tâm huyết của cộng đồng, lễ hội này ngày càng được gìn giữ và phát triển, tạo nên một dấu ấn văn hóa đặc sắc.
Tết Ngã rạ không chỉ là dịp để cộng đồng Cor tưởng nhớ những giá trị văn hóa mà còn là một cơ hội để các thế hệ trong cộng đồng gặp gỡ, chia sẻ, giúp thắt chặt mối quan hệ trong cộng đồng, tạo nên một không khí đoàn kết, gắn bó. Ông Đinh Văn Hà (trưởng thôn Thọ An, xã Bình An, huyện Bình Sơn), chia sẻ: “Nhiều năm trước đây, mỗi nhà tự tổ chức Tết riêng. Khi được sự quan tâm, bà con nơi đây đã tổ chức Tết mang tính chất cộng đồng nên mọi người phấn khởi lắm! Bà con rất vui vì vừa được vui chơi, học hỏi, vừa hỏi thăm sức khỏe lẫn nhau”.
Nhờ có nguồn kinh phí hỗ trợ từ các chương trình bảo tồn văn hóa, các nghi thức và lễ hội của người Cor được tổ chức quy mô cộng đồng, với sự phối hợp nhịp nhàng giữa các ban ngành văn hóa và chính quyền địa phương. Bà Hồ Thị Hương, đồng bào Cor ở thôn Thọ An, xã Bình An, huyện Bình Sơn, vui mừng: “Từ khi tổ chức theo hình thức cộng đồng này, bà con tới đông đủ, rất vui! Mong các năm sau bà con cũng đông đủ như thế này, cùng nhau gìn giữ nét đẹp truyền thống”.
Chính quyền địa phương không chỉ tổ chức các hoạt động cộng đồng mà còn chú trọng duy trì và phát triển các trò chơi dân gian, như múa cà đáo, thi giã gạo và gói bánh. Những hoạt động này không chỉ bảo tồn bản sắc văn hóa mà còn tạo không khí vui tươi, gắn kết các tầng lớp. Thế hệ trẻ, qua đó, không chỉ được học hỏi về truyền thống mà còn hiểu và trân trọng giá trị của các lễ hội, từ đó có trách nhiệm bảo vệ và phát huy những giá trị ấy.
Sau phần lễ là phần hội, bà con vui chơi, ca hát và tham gia các điệu múa cồng chiêng, múa cà đáo. |
Tết Ngã rạ, vì thế mà không còn chỉ là lễ hội truyền thống, mà còn là dịp nhắn gửi thông điệp quan trọng về việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Ông Phạm Quang Sự - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, khẳng định: “Việc khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, lễ hội của người Cor ở xã Bình An không chỉ giúp gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số mà còn thu hút du khách, thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn huyện Bình Sơn. Chính quyền huyện luôn quan tâm bảo tồn, tôn tạo và phát triển các giá trị văn hóa mang đậm bản sắc riêng của Tết Ngã rạ”. Sự quan tâm này từ các cấp chính quyền đóng góp vào sự phát triển bền vững của địa phương.
Với những nỗ lực và sự chung tay của cộng đồng, Tết Ngã rạ đã trở thành một sự kiện văn hóa có ý nghĩa sâu sắc, góp phần xây dựng một xã hội hòa đồng, tôn trọng bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị văn hóa truyền thống, qua lễ hội này, sẽ được bảo tồn và phát triển, tạo nền tảng cho các thế hệ mai sau tiếp tục gìn giữ và phát huy.