![]() |
Ảnh minh họa |
Công nghệ viễn thám cho phép thu thập thông tin về các đối tượng từ xa mà không cần tiếp xúc trực tiếp, thông qua việc phân tích năng lượng phản xạ và bức xạ. Trong dự án này, dữ liệu viễn thám sẽ được sử dụng để xây dựng bộ dữ liệu WaPOR, một nền tảng dữ liệu không gian mở cho phép theo dõi liên tục các chỉ số quan trọng như bốc thoát hơi thực tế (ET), sinh khối, độ ẩm đất và mức độ thiếu nước.
Dự án sẽ tập trung vào việc xây dựng hệ thống cảnh báo hạn hán trên nền tảng viễn thám cho khoảng 1.500 km2 diện tích sản xuất nông nghiệp tại Đắk Lăk và Đắk Nông. Với độ phân giải cao từ 20-300m, WaPOR sẽ cung cấp thông tin chi tiết về tình trạng hạn hán và thiếu nước, giúp các cơ quan quản lý và người dân có thể đưa ra các biện pháp ứng phó kịp thời.
Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm của mùa khô, dự báo kéo dài đến đầu tháng 5. Lượng nước tích trữ trong các hồ chứa thủy lợi hiện chỉ đạt 40-80% dung tích thiết kế, thấp hơn mức trung bình nhiều năm. Đặc biệt, nhiều hồ chứa nhỏ tại Kon Tum và Đắk Nông đã cạn nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp.
Với chỉ 26% diện tích canh tác được phục vụ bởi hệ thống thủy lợi, nông nghiệp Tây Nguyên phụ thuộc lớn vào nước mưa tự nhiên. Trong 25 năm qua, khu vực này đã trải qua 17 đợt hạn hán lớn, gây thiệt hại nặng nề cho các loại cây trồng chủ lực như lúa, cà phê và hồ tiêu.
Năm 2024, hạn hán đã gây thiệt hại hơn 18.000 ha cà phê tại Đắk Lắk. Cùng với đó, tình trạng suy thoái nguồn nước ngầm cũng làm gia tăng chi phí sản xuất, gây khó khăn cho người nông dân.
Lãnh đạo Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) kỳ vọng dự án sẽ giúp xây dựng phương pháp giám sát, dự báo hạn hán một cách chủ động và minh bạch. Đây cũng là tiền đề để nhân rộng mô hình ứng dụng trên toàn quốc, góp phần nâng cao khả năng chống chịu của ngành nông nghiệp trước tác động của biến đổi khí hậu./.