Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, thì nhu cầu về các sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng cao và thân thiện với môi trường ngày càng tăng. Sản xuất hữu cơ, với những ưu điểm vượt trội của nó, đang được coi là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển một nền nông nghiệp bền vững. |
Tiềm năng phát triển
|
Các tỉnh, Kon Tum, Gia Lai và Đắk Lắk có vị trí địa lý quan trọng, là cầu nối giữa các nước Lào, Campuchia và các tỉnh miền Trung. Với độ cao trung bình từ 500-1.500m so với mực nước biển. Địa hình tương đối bằng phẳng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc canh tác nông nghiệp và chăn nuôi. Khí hậu nhiệt đới gió mùa, phân hóa theo mùa rõ rệt. Mùa mưa tập trung từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 22-27°C. Những lợi thế về đất đỏ bazan giàu dinh dưỡng, khí hậu nhiệt đới, lượng mưa dồi dào tạo điều kiện thuận lợi phát triền nền nông nghiệp đa dạng, khu vực này đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho việc phát triển nông nghiệp hữu cơ và đang dần khẳng định vị thế là một trong những trung tâm sản xuất nông nghiệp hữu cơ đầy tiềm năng của Việt Nam. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là một phương thức canh tác không sử dụng hóa chất tổng hợp như phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, và các chất kích thích tăng trưởng. Thay vào đó, phương pháp này chú trọng vào việc duy trì sức khỏe của đất, tăng cường đa dạng sinh học, và bảo vệ môi trường. Trên toàn cầu, nhu cầu về thực phẩm hữu cơ đang ngày càng tăng, thúc đẩy sự phát triển của sản xuất nông nghiệp hữu cơ Các tỉnh Kon Tum, Gia Lai và Đắk Lắk từ lâu đã được biết đến là vùng cao nguyên rộng lớn, đất đỏ bazan màu mỡ và tiềm năng phát triển nông nghiệp vô cùng lớn. Với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao như: cà phê, hồ tiêu, cao su, điều… Từ những lợi thế sẵn có, thì tiềm năng phát triển nông nghiệp hũu cơ của vùng đất này hứa hẹn Tây Nguyên hoàn toàn có thể trở thành trung tâm sản xuất nông sản hữu cơ chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường. |
|
Lễ hội sầu riêng Krông Pắc - Đắk Lắk lần thứ II năm 2024. |
Thách thức phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Tây nguyên |
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển nông nghiệp hữu cơ ở các địa phương này còn gặp nhiều khó khăn như: các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk đều có xuất phát điểm kinh tế phụ thuộc vào nguồn lực đầu tư của Nhà nước; trình độ sản xuất nông nghiệplạc hậu, khả năng tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật còn chậm,nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong quá trình canh tác hữu cơ, người sản xuất chỉ được phép sử dụng phân bón hữu cơ, phòng trừ cỏ dại, sâu bệnh bằng các biện pháp thủ công hoặc thuốc sinh học nên mất nhiều công lao động và khó thực hiện trên diện rộng nên khi chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ trong những năm đầu năng suất giảm rõ rệt và gặp khó khăn trong công tác phòng, chống sâu bệnh. Việc thực hiện liên kết sản xuất chưa tốt, chưa phát huy hết được tiềm năng, thế mạnh sản xuất nông nghiệp; do tác động của biến đổi khí hậu gây khô hạn, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Hoạt động nghiên cứu khoa học mặc dù bước đầu đã có những kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên chưa phát huy hết được các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn. Bà Y Hằng - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum cho biết: Hiện nay cơ chế chính sách hỗ trợ cho sản xuất hữu cơ chưa rõ ràng, các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ và liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm còn nhiều bất cập. Đội ngũ cán bộ chủ chốt chưa qua đào tạo về nông nghiệp hữu cơ, cơ chế chính sách về tài chính, hỗ trợ cho cá nhân và tổ chức sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn phụ thuộc vào nguồn ngân sách địa phương. Công tác tuyên truyền, vận động có nơi còn chưa được đổi mới, chưa đi vào chiều sâu, nội dung hình thức tuyên truyền chưa phong phú nên chưa thay đổi rõ nét nhận thức của người dân về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. TSKH.Hà Phúc Mịch chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ của các tỉnh Tây Nguyên nói chung: Đó là đội ngũ cán bộ làm nông nghiệp hữu cơ ở các cấp, ngành còn yếu, thiếu cán bộ được đào tạo tập huấn chuyên sâu về nông nghiệp hữu cơ. Các địa phương này có diện tích đất nông nghiệp rất lớn, nhưng sản xuất nông nghiệp hướng theo hữu cơ mới chỉ ở dạng mô hình nhỏ lẻ, quy mô hẹp, chưa có vùng sản xuất lớn. Các quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ cụ thể cho từng cây trồng, vật nuôi cũng chưa được ban hành. Việc chứng nhận sản phẩm hữu cơ để đạt tiêu chuẩn của các Tổ chức chứng nhận từ khâu sản xuất, chế biến, nhãn mác hàng hóa phụ thuộc phần lớn vào các tổ chức ngoài nước khiến nhiều nông dân, mô hình nhỏ lẻ gặp khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu để được chứng nhận hữu cơ, điều này làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế. TSKH.Hà Phúc Mịch cho rằng: các cấp chính quyền cần có các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn để khuyến khích nông dân chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ. Điều này có thể bao gồm các chính sách tài chính, hỗ trợ kỹ thuật, và phát triển hệ thống giám sát, chứng nhận hữu cơ đạt tiêu chuẩn. Các chương trình đào tạo, tập huấn về nông nghiệp hữu cơ cần được phổ biến rộng rãi hơn đến nông dân. Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về lợi ích của sản phẩm hữu cơ cũng là một yếu tố quan trọng để thúc đẩy nhu cầu và phát triển thị trường. Xây dựng và mở rộng hệ thống phân phối sản phẩm hữu cơ, đặc biệt là tại các khu vực nông thôn và vùng sâu, vùng xa, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận sản phẩm. Các hợp tác xã và liên kết sản xuất cũng cần được phát triển để tạo ra sự ổn định về nguồn cung và đảm bảo chất lượng sản phẩm. |
Những vườn sầu riêng ở Krông Pắk được sản xuất, thu hoạch đúng quy trình VietGAP - Ảnh minh họa. |
Giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Tây nguyên
|
Nhu cầu tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn đang ngày càng tăng, thị trường trong và ngoài nước đang rất cần các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và người dân, sản xuất hữu cơ tại các tỉnh Kon Tum, Gia lai và Đắk Lắk đang có những bước phát triển rất tích cực. Việc phát triển này, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai để khuyến khích nông dân chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ. Các cấp chính quyền và người nông dân cần được đào tạo, tập huấn, về kỹ thuật canh tác hữu cơ, cung cấp thông tin về thị trường và các tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ. Cơ sở vật chất hạ tầng được đầu tư đồng bộ, xây dựng các cơ sở chế biến, bảo quản nông sản, hệ thống thu gom và phân phối sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Đặc biệt các tỉnh Kon Tum, Gia lai và Đắk Lắk cần tập trung phát triển, xây dựng và quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của Tây Nguyên vươn tầm thế giới. Khuyến khích nông dân thành lập hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ để liên kết sản xuất, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, giảm chi phí sản xuất và nâng cao sức cạnh tranh... Xây dựng chuỗi cung ứng khép kín từ sản xuất đến tiêu dùng, đảm bảo sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng và an toàn. Tăng cường tuyên truyền về lợi ích của nông nghiệp hữu cơ, giúp người dân hiểu rõ hơn về phương thức sản xuất này. Phát triển mô hình du lịch kết hợp với nông nghiệp hữu cơ, cho phép du khách trải nghiệm quy trình sản xuất hữu cơ, thu hái và chế biến sản phẩm. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại các tỉnh Kon Tum, Gia Lai và Đắk Lắk đang có những bước tiến quan trọng, nhưng vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Để phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nông dân, chính quyền và các bên liên quan. Các cấp chính quyền, các ngành chức năng cần có những chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân chuyển đổi sang canh tác hữu cơ. Các tổ chức nông dân cần tăng cường vai trò liên kết, hỗ trợ nông dân trong sản xuất và tiêu thụ. Đặc biệt là bà con nông dân cần quyết tâm thay đổi phương thức sản xuất, áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào thực tiễn, góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên thị trường thế giới. |
Để phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững,cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nông dân, chính quyền và các bên liên quan - Ảnh minh họa. |
Nội dung: Nhóm PV Tây Nguyên Đồ họa: Hà An |