Quang cảnh buổi đối thoại với các HTX trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. |
Khó khăn, vướng mắc
Ngày 1/11, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Văn Dũng, cùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chủ trì buổi đối thoại với lãnh đạo các HTX trong tỉnh để lắng nghe những phản ánh về tình hình sản xuất - kinh doanh, cũng như các khó khăn và thách thức mà các HTX tỉnh nhà đang gặp phải.
Tại buổi đối thoại, đại diện nhiều HTX chia sẻ những vướng mắc, cụ thể như thiếu quỹ đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, văn phòng làm việc và kho bãi, hay việc tích tụ ruộng đất còn gặp trở ngại, cản trở quá trình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện tại, tỉnh Quảng Nam có 613 HTX đang hoạt động, trong đó có 407 HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, 35 HTX trong ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, 20 HTX trong lĩnh vực giao thông vận tải, còn lại hoạt động trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, môi trường, và quản lý chợ.
Dù hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, các HTX này chủ yếu có quy mô nhỏ, hạn chế về khả năng sản xuất hàng hóa và cơ sở vật chất, chưa đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ngoài ra, nhiều HTX gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn và chính sách hỗ trợ từ nhà nước, trong khi năng lực quản lý và vận hành vẫn còn hạn chế.
Bà Huỳnh Thị Thu Thủy, đại diện HTX Bà Ba Hội tại TP. Tam Kỳ, bày tỏ mong muốn có các cơ chế thuận lợi hơn để HTX tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn, đặc biệt là trong việc mở rộng quy mô và đầu tư hạ tầng. “Quy định yêu cầu HTX đồng bằng phải có ít nhất 50 thành viên để được tiếp cận vốn gây ra nhiều khó khăn, nhất là với các HTX có quy mô vừa và nhỏ”, bà Thủy cho biết.
Đại diện HTX huyện Phú Ninh, ông Phạm Khánh Nam, chia sẻ về việc HTX của ông gặp khó khăn khi cơ sở sản xuất nằm trong diện giải tỏa mặt bằng. “Gần một năm nay, HTX chật vật duy trì hoạt động do thiếu quỹ đất ổn định”, ông Nam nói.
Nhiều lãnh đạo HTX cũng đề xuất cần có chính sách thu hút nguồn nhân lực trẻ về làm việc, cùng với cơ chế lương phù hợp cho các cán bộ đã gắn bó lâu dài.
Cần hỗ trợ nguồn vốn để phát triển bền vững
Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh dù nhiều HTX có quy mô nhỏ, nhưng nhiều mô hình tiên tiến đã xuất hiện. Đặc biệt, tỉnh đang đẩy mạnh phát triển mô hình du lịch nông nghiệp như làng rau Trà Quế, tạo thêm điểm đến thu hút du khách quốc tế. Ông Bửu cho biết: “Các HTX cần học hỏi từ những mô hình thành công tại các địa phương khác và tích cực áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng hiệu quả kinh doanh”.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng cũng nhận định các HTX đã đóng góp tích cực cho nền kinh tế địa phương thông qua các hội chợ và diễn đàn quảng bá sản phẩm ra thị trường. Tuy nhiên, ông cho rằng chất lượng, thương hiệu và đầu ra của các HTX vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng của tỉnh.
Ông Dũng nhấn mạnh cần định vị lại vai trò của HTX trong cơ cấu phát triển kinh tế của tỉnh, để các HTX không chỉ chạy theo thành tích mà thực sự trở thành đầu tàu thúc đẩy thị trường. Ông cũng khẳng định rằng vốn là nhu cầu cấp thiết, quyết định sự sống còn của các HTX. Vì vậy, cần phải có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía ngân hàng, tránh tình trạng tiền nằm yên trong ngân hàng trong khi các HTX khó khăn không thể tiếp cận được.
Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng ghi nhận các ý kiến từ các đại diện HTX và cho rằng các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho kinh tế hợp tác xã dù đã được ban hành nhưng vẫn còn nhiều quy định ràng buộc, gây khó khăn trong thực hiện.
Ông Dũng cũng đặt kỳ vọng rằng các HTX sẽ thích ứng linh hoạt với môi trường kinh doanh đang biến đổi, đặc biệt là với các HTX kiểu mới, đa dạng ngành nghề. Ông nhấn mạnh sự cần thiết của việc liên kết giữa các HTX để xây dựng các mô hình sản xuất quy mô lớn, áp dụng công nghệ và chuyển đổi số.
Hiện nay, Quảng Nam đã và đang tạo điều kiện để mô hình HTX phát huy tối đa tiềm năng, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển.
Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam cần phối hợp mạnh mẽ với các sở, ngành liên quan để tiếp tục theo dõi, lắng nghe và tìm hiểu các khó khăn của các HTX. Đồng thời, tiến hành rà soát, đánh giá lại các chính sách, cơ chế hỗ trợ nhằm đề xuất các giải pháp mới, phù hợp hơn, hướng tới phát triển bền vững cho kinh tế hợp tác xã.