Giai đoạn 2020-2024 đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của nông nghiệp tỉnh Đồng Nai với nhiều thành tựu nổi bật, đặc biệt trong ứng dụng công nghệ cao (CNC) khi tỉnh đã vượt xa mục tiêu ban đầu - Ảnh minh họa. |
Đổi mới toàn diện bộ mặt ngành nông nghiệp
Giai đoạn 2020-2024 đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của nông nghiệp tỉnh Đồng Nai với nhiều thành tựu nổi bật, đặc biệt trong ứng dụng công nghệ cao (CNC) khi tỉnh đã vượt xa mục tiêu ban đầu. Nhiều công nghệ mới đã được áp dụng rộng rãi trong trồng trọt và chăn nuôi, sử dụng giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao, cơ giới hóa toàn diện cũng như tự động hóa các phương pháp canh tác.
Đồng Nai cũng chú trọng phát triển nông nghiệp hữu cơ với hơn 885 ha và hình thành 8 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC cùng 15 vùng sản xuất hướng theo hữu cơ. Theo số liệu mới nhất từ Sở NN-PTNT Đồng Nai, giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực ứng dụng CNC đạt gần 46,3%, tương đương trên 34,7 ngàn tỷ đồng, gần đạt mục tiêu đến năm 2025. Những thành tựu này khẳng định hướng đi đúng đắn của Đồng Nai trong việc hiện đại hóa nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.
Nhờ ứng dụng mạnh mẽ hệ thống nhà màng, nhà lưới và nhà kính kết hợp công nghệ Internet vạn vật (IoT), giờ đây người nông dân đã có thể giám sát và điều khiển từ xa các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng cây trồng như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, nước tưới và dinh dưỡng. Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu còn cao do phụ thuộc vào thiết bị nhập khẩu, nhưng nhờ hiệu quả vượt trội, các doanh nghiệp và hộ nông dân tại Đồng Nai đang tích cực tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của tỉnh để triển khai hệ thống này.
Đồng Nai là thủ phủ chăn nuôi của cả nước, hiện đang vận hành 442 trang trại chăn nuôi sử dụng hệ thống chuồng trại gia súc, gia cầm CNC, chiếm 21% tổng số chuồng trại CNC trên cả nước. Hệ thống chuồng thông minh cho phép theo dõi diễn biến thực tế theo thời gian thực, giúp kịp thời phát hiện và xử lý sự cố. Tự động hóa các tác vụ như vệ sinh, phân phối thức ăn và nước uống giúp giảm thiểu nhân công, chi phí và cố định thời gian biểu. Ví dụ tiêu biểu cho việc ứng dụng hiệu quả hệ thống chuồng trại CNC là Công ty TNHH chăn nuôi CP Việt Nam – thương hiệu vốn được người tiêu dùng biết tới với chuỗi thức ăn nhanh Five Star và nhiều sản phẩm thực phẩm ăn liền khác.
Đồng Nai đang chuyển đổi các phương tiện canh tác truyền thống như máy sấy lúa, máy xay gạo và đặc biệt là xe gieo sạ thành phương tiện tự hành hoặc điều khiển từ xa, giúp tăng năng suất lao động bất kể điều kiện thời tiết và thời gian. Với đặc điểm diện tích canh tác rộng lớn, bằng phẳng (chiếm gần 50% diện tích toàn tỉnh), Đồng Nai rất phù hợp với việc cơ giới hóa các phương tiện canh tác CNC, giúp tận dụng tối đa khả năng của thiết bị và tối ưu chi phí.
Đáng chú ý hơn cả, thiết bị bay không người lái nông nghiệp (agriculture drone) nhờ sự tiến bộ của khoa học công nghệ, đã khiến giá thành giảm xuống đáng kể và được ứng dụng rộng rãi trong nhiều tác vụ như phun tưới, gieo sạ và theo dõi tình hình canh tác. Hiệu quả của các phương tiện canh tác nông nghiệp hiện đại đã được chứng minh trên mô hình Hợp tác xã, thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và hộ nông dân tích cực chuyển đổi và đầu tư.
Đồng Nai có lợi thế về diện tích mặt nước rộng lớn (khoảng 48 ngàn ha có tiềm năng nuôi thủy sản), tập trung vào sản phẩm chủ lực là nhiều chủng loại tôm đặc sản. Nhiều trang trại đang áp dụng song song hệ thống chăn nuôi thủy sản CNC để gia tăng sản lượng và công nghệ sinh học để kiểm soát môi trường nuôi cấy. Việc ứng dụng hệ thống chăn nuôi thông minh cho phép cung cấp nano oxy vào môi trường nước để nuôi cấy mật độ cao, đồng thời hệ thống cho ăn tự động giúp giảm nhân công, thời gian và chi phí. Công nghệ sinh học xử lý môi trường cũng được cập nhật liên tục để tối ưu chi phí và hiệu quả. Nhờ sự đổi mới này, tổng giá trị sản phẩm thủy sản được nuôi cấy áp dụng CNC đã đạt 430 tỷ đồng, chiếm 15,6% tổng giá trị thủy sản chủ lực toàn tỉnh.
“Giải mã” thành công
Để đạt được những thành tựu kể trên, định hướng chiến lược rõ ràng và quyết tâm của lãnh đạo tỉnh là yếu tố then chốt. Phát triển nông nghiệp CNC được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thể hiện qua Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và các kế hoạch hành động cụ thể như Kế hoạch số 110. Sự nhất quán trong chỉ đạo và điều hành đã tạo động lực mạnh mẽ cho các sở, ban, ngành, doanh nghiệp và bà con nông dân. Hơn nữa, nhờ sự đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng, nâng cấp toàn diện hệ thống giao thông, thủy lợi, điện lưới… đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các công nghệ như tưới tiết kiệm, nhà màng, nhà kính và nâng cấp phương tiện nông nghiệp.
Ngoài ra, sự chủ động và năng động của doanh nghiệp, người nông dân cũng đóng vai trò quan trọng. Nhiều doanh nghiệp đã tiên phong đầu tư vào nông nghiệp CNC, xây dựng các mô hình sản xuất hiện đại và hiệu quả. Nhiều hộ nông dân, nhờ sự hỗ trợ của Trung tâm khuyến nông địa phương trong đào tạo, tập huấn cũng tích cực học hỏi, áp dụng các kỹ thuật mới vào sản xuất, góp phần lan tỏa các mô hình đã thành công. Không thể không kể tới chính sách hỗ trợ kịp thời và hiệu quả của tỉnh đã tạo động lực cho các thành phần kinh tế. Các chính sách về hỗ trợ vốn, đất đai, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực đã khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp CNC mà nổi bật trong đó là chính sách hỗ trợ 50% chi phí cho các dự án thử nghiệm công nghệ mới, giúp nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đổi mới tư duy và chấp nhận rủi ro để đầu tư.
Những kết quả đạt được đã khẳng định hướng đi đúng đắn của Đồng Nai trong việc phát triển nông nghiệp CNC, mang lại những sản phẩm nông nghiệp chất lượng, an toàn và giá trị kinh tế cao - Ảnh minh họa. |
Những kết quả đạt được đã khẳng định hướng đi đúng đắn của Đồng Nai trong việc phát triển nông nghiệp CNC, mang lại những sản phẩm nông nghiệp chất lượng, an toàn và giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, tỉnh cũng đối mặt với một số thách thức như việc ứng dụng CNC chưa đồng đều, liên kết chuỗi giá trị còn thiếu bền vững, nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế. Do đó, để tiếp tục phát triển bền vững, Đồng Nai cần đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, đặc biệt là các giải pháp công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, chú trọng đào tạo kỹ năng thực hành; xây dựng các mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ hiệu quả, tạo điều kiện cho nông dân và doanh nghiệp hợp tác chặt chẽ; đồng thời, có chính sách hỗ trợ thiết thực để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.