![]() |
Mỗi năm gia đình anh Thao Lâu Pó thu nhập hàng trăm triệu đồng từ 2ha cây ăn quả. |
Xã Nhi Sơn, Trung Lý của huyện Mường Lát (Thanh Hóa) những năm gần đây người dân đã trú trọng đẩy mạnh trồng cây ăn quả như: đào, mận, vải thiều. Đây những cây trồng ăn trái, cây cảnh đang trở thành cây chủ lực, cây thoát nghèo của các hộ dân trên địa bàn các xã biên giới.
Thăm vườn đào đang mùa thu hoạch của gia đình anh Thao Lâu Pó (42 tuổi), bản Lốc Há, xã Nhi Sơn được anh Pó cho biết: gia đình anh hiện có 2.000 gốc đào, đã trồng được 13 năm. Toàn bộ diện tích 2.000 gốc đào hiện này đang vào vụ, vợ chồng, con cái đều tập trung thu hoạch. Dự kiến, với năng suất hiện tại thì vườn đào của gia đình sẽ cho khoảng 8 tạ đào, với giá bán hiện tại từ 25.000 đến 30.000 đồng/kg, gia đình anh thu được hơn 25 triệu đồng.
Trước đây, cây đào mọc tự nhiên và không được bà con nơi đây trú trọng, cây đào ra hoa, quả chín rồi rụng xuống gốc. Tuy nhiên, khoảng 15 năm trở lại đây, khi có nhiều thương lái đến mua đào gốc và quả thì người dân mới bắt đầu trú trọng mở rộng diện tích trồng đào. Đào quả sẽ chín và được người dân thu hoạch từ tháng 4 đến hết tháng 5 dương lịch.
Anh Pó cho biết: “Diện tích hiện tại gia đình đang trồng đào trước đây trồng sắn nhưng do năng suất thấp nên tôi đã chuyển đổi sang trồng đào được 13 năm. Ngoài mỗi dịp tết bán đào cho người dân chơi cây cảnh thì ra năm gia đình lại có thêm thu nhập từ bán trái đào. Gia đình tôi còn trồng 500 gốc mận cơm, 200 gốc vải thiều, hơn 100 gốc bưởi và cam Vinh”.
Hiện nay, cứ sáng sớm là chị Gia Thị Nính (40 tuổi), vợ anh Thao Lâu Pó đã đeo gùi băng qua những con dốc cheo leo, trèo lên sườn đồi để hái từng quả đào chín mọng. Đào sau khi được hái thi bán cho các thương lái dưới xuôi, ngoài ra chị Nính còn đem bày bán ở Quốc lộ 15C, đào hái về tới đâu được bán hết trong ngày.
![]() |
Mỗi sáng sớm, chị Gia Thị Nính lại đeo gùi đi hái đào mang về nhập cho thương lái dưới xuôi. |
Hết vụ thu hoạch đào, gia đinh anh Pó sẽ chuyển sang thu hoạch mận và vải thiều. Với diện tích 2ha trồng cây ăn quả, mỗi năm gia đình anh Pó thu về hơn 200 triệu đồng. "Nhờ nguồn thu ổn định từ vườn cây, năm 2024, gia đình tôi là một trong 19 hộ thoát nghèo của xã Nhi Sơn", anh Pó phấn khởi nói.
Trao đổi với ông Lê Hữu Nghị, Chủ tịch UBND xã Nhi Sơn, cho biết trên địa bàn xã có hơn 32ha trồng đào. Cây đào mang lại nguồn thu nhập ổn định, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Nhiều hộ thoát nghèo cũng như trồng đào, trồng mận.
“Cây đào, cây mận hiện là cây trồng chủ lực ở xã Nhi Sơn. Ngoài bán quả, vào dịp Tết, người dân còn có thêm nguồn thu từ việc bán đào cảnh. Mỗi gốc đào có thể bán với giá từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng, tùy vào dáng, thế, kích thước. Bình quân, một ha đào cho thu lãi khoảng 50 triệu đồng, cao gấp đôi so với trồng sắn, nên bà con rất phấn khởi. Ngoài ra cây mận cũng cho giá trị kinh tế khá cao đối với bà con từ việc bán quả", ông Nghị chia sẻ.
Để nâng cao năng suất và chất lượng, nhiều hộ đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình trồng và chăm sóc cây. UBND xã Nhi Sơn đang khuyến khích người dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời từng bước xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm đào địa phương nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ.