Ban chủ trì Hội thảo |
Mở đầu Hội thảo, bà Vũ Thị Hà, Chủ tịch UBND Huyện Tứ Kỳ nêu khái quát: Hiện tại, huyện có 8 vùng khai thác rươi cáy kết hợp sản xuất lúa hữu cơ với tổng diện tích 367 ha. Vùng bảo tồn, khai thác rươi cáy cho thu nhập từ 350- 450 triệu đồng/ha/năm, giá trị đạt 120-150 tỷ đồng/năm. Ngày 13.5.2022, vùng sản xuất nông nghiệp kết hợp khai thác rươi cáy với quy mô 137 ha ở xã An Thanh đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam. Đây cũng là vùng sản xuất hữu cơ được công nhận đầu tiên của tỉnh. 5 sản phẩm gồm gạo bãi rươi; rươi cấp đông; cáy cấp đông; chả rươi và rươi niêu đốt được công nhận OCOP từ 3-4 sao.
Để nâng cao giá trị vùng khai thác rươi, cáy, sản xuất Nông nghiệp Hữu cơ (NNHC) trên địa bàn, hội thảo này rất mong bà con nông dân, những người trực tiếp sản xuất, các các doanh nghệp, các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, các đơn vị phân phối sản phẩm cùng bàn thảo để tìm ra hướng đi bền vững nâng tầm giá trị lúa, rươi, cáy hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cho các bên.
Ông Nguyễn Văn Tuân tham luận |
Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Thế hệ mới (Tứ Kỳ) Nguyễn Văn Tuân nêu ý kiến tập trung vào việc: Cần có quy hoạch cụ thể hơn cho vùng sản xuất lúa rươi, cần sớm có những nghiên cứu khoa học để phát triển bền vững, giữ uy tín sản phẩm lúa rươi hữu cơ Tứ Kỳ, sớm đưa hoạt động du lịch sinh thái vào địa bàn để nâng cao hiệu quả kinh tế, giữ gìn môi trường.
TSKH. Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam sau khi khái quát sự hình thành, phát triển của phong trào nông nghiệp hữu cơ thế giới và ở nước ta, những nguyên tắc cơ bản của sản xuất NNHC, ông tập trung trao đổi về giải pháp nâng cao giá trị vùng khai thác rươi cáy, sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Tứ Kỳ.
TSKH. Hà Phúc Mịch nêu những ý kiến về vật tư đầu vào cho vùng sản xuất lúa rươi và bảo vệ thương hiệu sản phẩm |
Theo TSKH. Hà Phúc Mịch: Để con rươi, con cáy sống được và sống khỏe việc đẩu tiên là phải chăm lo sức khỏe cho đất, cho nước. Đất, nước phải sạch, phải không ô nhiễm. Nguồn phân bón hữu cơ cho lúa phải đặc biệt quan tâm. Hiện nay, phân gà nuôi công nghiệp, theo nghiên cứu, dư lượng không đảm bảo cho sản xuất NNHC, không sử dụng cho vùng canh tác lúa rươi. Cần đặc biệt quan tâm tới vật tư đầu vào có ảnh hưởng tới con rươi, con cáy không.
Bên cạnh đó cần theo dõi chặt chẽ, đảm bảo chất lượng sản phẩm, loại bỏ hàng nhái, hàng giả đặc sản rươi cáy, gạo hữu cơ Tứ Kỳ. Muốn vậy, người sản xuất, lưu thông phân phối phải có tâm cùng có trách nhiệm với sản phẩm, các cơ quan giám sát, thanh tra phải vào cuộc, nếu cần phải xử lý ngay vài vụ gian lận thương mại điển hình. Mất thương hiệu, mất niềm tin là mất tất cả!…
Các đại biểu rất đồng tình với ý kiến của TSKH. Hà Phúc Mịch. Đại diện các HTX Dịch vụ nông nghiệp và hộ dân ở các xã có vùng sản xuất hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy nêu ý kiến đề nghị các cấp,các ngành nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật về phát triển con rươi; lựa chọn giống lúa, phân bón phù hợp vùng sản xuất hữu cơ; phát triển du lịch trải nghiệm tại vùng sản xuất rươi cáy; định hướng xuất khẩu con rươi bền vững.
Ông Trần Hữu Bảy, mới làm rươi được 1 vụ trên diện tích 10 mẫu chia sẻ kinh nghiệm của mình cho biết vụ năm nay ông sẽ thu hoạch 5 tấn rươi, gấp đôi vụ trước. Ông băn khoăn về giống lúa ST25, cây thấp khi nước mặn xâm lấn dễ bị ngập cho thu hoạch thấp. Ông mong các nhà khoa học nghiên cứu tìm giống lúa mới phù hợp hơn.
Ông Luận ở HTX An Thanh băn khoăn về giá thu mua lúa của bà con còn thấp. Ông mong muốn các đơn vị thu mua quan tâm hơn về giá lúa cho nông dân. Ông cũng băn khoăn về mở rộng sản xuất rươi, về nguồn thức ăn và nhân giống rươi.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Nắng Thu, Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng và thức ăn thủy sản (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), người đã nhiều năm nghiên cứu sự phát triển của con rươi vùng Tứ Kỳ đã đưa ra nhiều thông tin mới rất thú vị về con rươi và hướng dẫn tỷ mỷ cách chăm sóc rươi.
Bà Bùi Thị Hạnh Hiếu,Tổng Giám đốc Công ty Bảo Minh, nhiều năm chia ngọt sẻ bùi cùng bà con An Thanh nói rất cụ thể quá trình thu mua, chế biến, phân phối sản phẩm gạo Hữu cơ Bãi rươi chi phí không hề nhỏ. Mục đích của Tổng Công ty là tiếp tục nâng cao giá trị sản phẩm và đồng hành cùng người sản xuất.
Bà Hạnh Hiếu, Tồng Giám đốc Công ty Bảo Minh nêu việc chế biến, phân phối sản phẩm |
GS. Trần Duy Quý, Chuyên gia nông nghiệp đã đưa ra một số giống lúa mới và sẵn sàng hợp tác với địa phương xây dựng mô hình sản xuất thí điểm.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và huyện Tứ Kỳ đã trao đổi, giải đáp kiến nghị đưa ra tại hội thảo, nhấn mạnh việc nâng cao giá trị sản xuất hữu cơ kết hợp khai thác rươi cáy ở Tứ Kỳ là rất cần thiết. Để con rươi, con cáy, hạt gạo hữu cơ bãi rươi An Thanh, Tứ Kỳ giữ vững thương hiệu và đi xa hơn rất cần môi trường sản xuất nông nghiệp hữu cơ phát triển bền vững. Điều đó rất cần sự quan tâm về chính sách và nguồn lực của nhà nước; liên kết phát triển vùng; sự hỗ trợ tích cực của các cấp, các ngành trong tỉnh, sự vào cuộc với cái tâm trong sáng của các nhà sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Tứ Kỳ.