TSKH. Hà Phúc Mịch, Chủ tịch VOAA (bên phải) bắt tay nguyên Tổng biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt Lưu Quang Định. |
Nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2024), phóng viên Tạp chí Hữu cơ Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn TSKH. Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam (VOAA), để có được cái nhìn rõ nét hơn về sự phát triển của Nông nghiệp hữu cơ thế giới, Việt Nam cũng như vai trò của truyền thông trong việc thúc đẩy phương thức canh tác (sản xuất) được coi là xu thế của thời đại.
PV: Thưa Chủ tịch, xin ông cho biết xu hướng phát triển Nông nghiệp hữu cơ và thực trạng cũng như mục tiêu phát triển Nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam?
TSKH. Hà Phúc Mịch: Tôi còn nhớ, tại Diễn đàn quốc tế “Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam – Hội nhập và phát triển” tháng 12/2017, nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu: “Để tiếp tục tăng trưởng, nền nông nghiệp Việt Nam đang trong tiến trình tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị và hiệu quả, đồng thời nâng cao thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.
Trong tiến trình đó, Nông nghiệp hữu cơ mở ra cơ hội sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, sạch và thân thiện với môi trường. Vì vậy, Chính phủ nhận thấy việc phát triển Nông nghiệp hữu cơ là cần thiết và cần có sự quan tâm đúng mức trong chỉ đạo và triển khai thực hiện”.
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đã phát triển vũ bão trong những năm gần đây. Trước năm 2011, chỉ có 7 tỉnh thành sản xuất Nông nghiệp hữu cơ thì đến nay đã có 100% các địa phương sản xuất NNHC. Diện tích canh tác NNHC cũng tăng mạnh, năm 2012 mới có 36.285 ha, đến năm 2015 là 76.666 ha, năm 2018 là 118.755 ha. Đặc biệt trong giai đoạn đại dịch Covid-19 diễn ra từ năm 2020 đến nay, diện tích canh tác NNHC vẫn tăng đều, tính đến nay khoảng 219.000 ha.
Các sản phẩm hữu cơ của chúng ta ngày càng đa dạng. Nếu như trước đây chỉ có chủ yếu là: chè, rau, củ, quả - đến nay các mặt hàng của Việt Nam rất phong phú, gồm: gạo, sữa, gia vị, dược liệu, tôm… Đây chính là lý do các sản phẩm hữu cơ của chúng ta ngày càng được bạn bè quốc tế đón nhận, với minh chứng là xuất khẩu nông sản hữu cơ của Việt Nam đạt trung bình 300 triệu USD/năm.
Việt Nam đã tham dự rất nhiều hội chợ, hội thảo quốc tế để quảng bá hình ảnh NNHC Việt Nam. Điển hình như việc VOAA đã có 7 năm liên tiếp dẫn đoàn các doanh nghiệp tham dự hội chợ thương mại hàng đầu thế giới về thực phẩm hữu cơ Biofach (Đức) và ngày càng gây ấn tượng. Có những doanh nghiệp ký được hợp đồng vài triệu USD ngay tại hội chợ, theo tôi đây là một thành công lớn.
Nhìn ra thế giới, theo thống kê đến hết năm 2022, có 188 quốc gia với 96 triệu ha được canh tác, sản xuất bởi 4,5 triệu nông dân hữu cơ, vượt xa con số tương ứng 164 quốc gia – 37,5 triệu ha – 1,9 triệu nông dân vào năm 2012. Một số quốc gia phát triển như Mỹ, các nước EU tăng trưởng hữu cơ hàng năm 2 con số.
Với những gì đang diễn ra, có thể thấy mục tiêu do Chính phủ đặt ra đến năm 2030 Việt Nam có diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 2,5 – 3% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp là hoàn toàn khả thi.
PV: Chủ tịch đánh giá như thế nào về những khó khăn, thách thức trong phát triển Nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam, dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu khoa học? Theo ông, đâu là thách thức lớn nhất?
TSKH. Hà Phúc Mịch: Trước tiên, cần phải nhắc đến những thuận lợi để phát triển NNHC. Hiện Việt Nam đã có đầy đủ chính sách để phát triển NNHC: Trung ương Đảng đã có chủ trương về Nông nghiệp hữu cơ tại Nghị quyết Ban chấp hành Trung ương lần thứ 4 – Khoá 12 tháng 10/2016 ; Tiêu chuẩn hữu cơ quốc gia TCVN 11041:2017 ban hành tháng 12/2017; Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018; Quyết định số 885/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030 tháng 6/2020; Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông thôn, nông dân tháng 6/2022.
Ngoài ra, Việt Nam là quốc gia có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều, với ¾ lãnh thổ là đồi núi, đa dạng sinh học nên việc sản xuất ra các loại sinh khối phục vụ sản xuất NNHC là thuận lợi. Cộng thêm, Việt Nam có 70% dân số là nông dân, nên đây là một lực lượng lao động dồi dào, có nhiều kinh nghiệm.
Tuy nhiên, chúng ta có rất nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển NNHC. Đầu tiên là nhận thức về NNHC của cộng đồng, các cấp ngành còn hạn chế. Nhân sự để chỉ đạo, xây dựng, thực hành các chủ trương, chính sách về NNHC còn thiếu và yếu. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật được đào tạo lại để nâng cao trình độ về NNHC còn rất ít. Đây chính là cái gốc của vấn đề, bởi nếu không có nhân lực thì rất khó tạo ra bước ngoặt.
Việc triển khai Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 chưa được đồng đều ở các tỉnh, thành. Có nơi làm tốt, phát triển, nhưng cũng nơi gần như chưa có tác động đến thực tiễn sản xuất. Ngoài ra, cũng phải nhìn nhận thực tế là các cơ quan quản lý Nhà nước chưa có đầy đủ văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 109.
Theo tôi, thách thức lớn nhất hiện nay trong việc phát triển NNHC tại Việt Nam là vật tư đầu vào. Mặc dù Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã có định hướng để phát triển nguồn thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y hữu cơ… nhưng chính sách để hỗ trợ cho sản xuất đầu vào hữu cơ chưa đồng bộ, hoặc còn quá ít, đơn lẻ. Nếu không có vật tư đầu vào thì rất khó để sản xuất hữu cơ.
PV: Thời gian qua, truyền thông, báo chí đã góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ Việt Nam. Chủ tịch đánh giá như thế nào về nhận định này? Theo ông, truyền thông, báo chí góp phần giúp lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ tháo gỡ những khó khăn gì hiện nay?
TSKH. Hà Phúc Mịch: Từ khi có chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, tất cả các phương tiện truyền thông đã đưa tin với tần suất tăng lên rất nhiều lần so với trước về NNHC, bao gồm các thông tin về kinh nghiệm, kết quả, sản phẩm trong nước và quốc tế.
Truyền thông giúp lan toả hữu cơ đến mọi ngóc ngách của đời sống. |
Nhờ báo chí, cộng đồng người tiêu dùng biết đến sản xuất NNHC là gì, sản phẩm NNHC là như thế nào. Những tấm gương sản xuất NNHC hiệu quả, thành công; thị trường hữu cơ trong nước và quốc tế; các địa phương trao đổi, học tập những mô hình sản xuất hữu cơ tiêu biểu… được báo chí đưa tin đã giúp NNHC lan toả đến mọi miền của Tổ quốc. Hay ở các kỳ họp Quốc hội, đã có đại biểu nêu lên các vấn đề về NNHC, chứng tỏ NNHC ngày càng được các cấp, ngành quan tâm.
Hiện rất nhiều cơ quan báo chí, truyền hình có chuyên mục chuyên sâu về NNHC như: VTV1, VTV2, VTC16, Đài Tiếng nói Việt Nam… đã góp phần đáng kể vào việc phát triển NNHC.
Các thế hệ nhà báo, phóng viên có nhiều đóng góp trong việc phát triển NNHC. |
Chính vì thế, để đạt được mục tiêu như kỳ vọng của Đề án 885 đến năm 2030 có từ 2,5-3% diện tích đất nông nghiệp sản xuất NNHC, báo chí đã và đang đóng một vai trò rất quan trọng. Báo chí không chỉ tuyên truyền chủ trương, chính sách mà còn góp phần lan toả những tấm gương, là cầu nối để đưa “tiếng dân” đến với các cơ quan chức năng để cởi những nút thắt trong việc phát triển NNHC.
PV: Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển Nông nghiệp hữu cơ, nhiều nông sản được các thị trường quốc tế ưa chuộng. Nhưng có một thực tế phải thừa nhận là nông sản hữu cơ Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu. Truyền thông có thể giải quyết được bài toán này không, thưa Chủ tịch?
TSKH. Hà Phúc Mịch: Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển NNHC, đặc biệt là dược liệu hữu cơ. Một số nước như Nhật Bản, sau khi dùng thuốc Tây y để chữa bệnh nặng, hiểm nghèo sẽ dùng dược liệu hữu cơ để chữa trị (uống, tắm, xông), đây chính là mảng Việt Nam chưa làm được nhiều, đặc biệt là khai thác lâm sản (ngoài gỗ) dưới tán rừng.
VOAA đã có 7 năm liên tiếp dẫn đoàn các doanh nghiệp tham dự hội chợ thương mại hàng đầu thế giới về thực phẩm hữu cơ Biofach (Đức). |
7 năm qua VOAA đã phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) để tổ chức ngành hàng sản phẩm hữu cơ đi các hội chợ quốc tế tới: Đức, Thái Lan và sắp tới là Mỹ. Thực tế cho thấy, có rất nhiều sản phẩm hữu cơ của Việt Nam như: gia vị, gạo, thuỷ sản được châu Âu ưa chuộng, nhưng khi gặp các đối tác có nhu cầu lượng sản phẩm lớn, ổn định, hầu như các doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được, nên chúng ta mới chỉ ký được các hợp đồng nhỏ lẻ.
Tôi vẫn còn nhớ khi tham dự hội chợ Biofach 2022, khi gian hàng Việt Nam có kinh phí làm truyền thông từ ngoài cổng khu triển lãm để có chỉ dẫn và các hội thảo kèm theo… đã giúp số lượng khách tham quan tới gian hàng tăng vọt, kèm theo là ký được hợp đồng với tổng giá trị kỷ lục, lên đến 6,7 triệu USD. Điều đó một lần nữa cho thấy truyền thông có tác động rất quan trọng đến việc quảng bá, phát triển NNHC.
PV: Thời gian qua, VOAA nói chung, Tạp chí Hữu cơ Việt Nam nói riêng đã có những đóng góp tích cực nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Chủ tịch có thể chia sẻ một số kết quả nổi bật?
TSKH. Hà Phúc Mịch: Ngoài việc xây móng, đắp nền cho NNHC Việt Nam, VOAA đã hợp lực cùng Bộ NN&PTNT ban hành chính sách về NNHC, tham gia với Bộ Khoa học Công nghệ ban hành TCVN về NNHC.
Tạp chí hữu cơ Việt Nam có nhiều tin bài kịp thời, thiết thực và chất lượng, đóng góp cho cộng đồng, để từ đó có rất nhiều bạn đọc biết đến NNHC thông qua Tạp chí. Đặc biệt kể từ khi có Tạp chí điện tử Nông nghiệp hữu cơ, sự lan toả, hiệu ứng tốt hơn nhiều.
Cũng nhờ truyền thông của VOAA, việc trao đổi, kết nối giữa các vùng miền, doanh nghiệp được tăng cường, để từ đó hỗ trợ được người sản xuất, kết nối doanh nghiệp với thị trường…
PV: Nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Chủ tịch muốn gửi gắm điều gì tới đội ngũ người làm báo nói chung, với người làm báo Tạp chí Hữu cơ nói riêng?
TSKH. Hà Phúc Mịch: Ngay từ số báo đầu tiên của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định báo chí là một vũ khí cách mạng. Trong chặng đường của cách mạng Việt Nam, báo chí có đóng góp to lớn, quan trọng. Báo chí định hướng cho nhân dân theo đúng đường lối chỉ đạo của Đảng, Nhà nước để đi đến thắng lợi ngày hôm nay.
Hiện lĩnh vực NNHC còn rất nhiều dư địa để các phóng viên, nhà báo sáng tạo, tìm tòi đưa ra những điển hình tốt, nhân tố mới từ nhà khoa học đến người sản xuất, doanh nghiệp đến với cộng đồng.
Trong việc phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn, hữu cơ… đòi hỏi các phóng viên, nhà báo làm thế nào truyền tải thông tin để dần thay đổi hành vi, nhận thức của cộng đồng và hiểu rõ tác tại của nông nghiệp truyền thống. Nếu vẫn canh tác theo phương thức truyền thống sẽ huỷ hoại môi trường ra sao, gây biến đổi khí hậu ngày một khắc nghiệt, và NNHC chính là một phương thức canh tác của thời đại giúp bảo vệ môi trường. Đây chính là cách để chúng ta để lại cho các thế hệ mai sau một Trái đất thực sự khoẻ mạnh.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!