![]() |
Phát triển nông nghiệp bền vững là một hợp phần quan trọng không thể thiếu của phát triển bền vững nền kinh tế. (Ảnh minh họa) |
Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững
Theo một định nghĩa sinh thái học về nông nghiệp bền vững của giáo sư Stephen R. Gliessman tại Đại Học UCSC thì đó là “một hệ thống có liên quan và tác động tới quá trình sản xuất lương thực, thực phẩm, nuôi trồng làm cân bằng tính ổn định của môi trường, tính phù hợp xã hội, và tính khả thi về kinh tế giữa các nhân tố, cả về chiều rộng lẫn chiều sâu (tức là nhiều đối tượng cùng tham gia và nhiều thế hệ cùng tham gia”. Đó là một chuỗi sản xuất lương thực, thực phẩm, cây trồng, vật nuôi trong đó người sản xuất sử dụng những yếu tố kỹ thuật giúp bảo vệ môi sinh, sức khỏe cộng đồng, một cách sản xuất khép kín, đúng quy luật tự nhiên.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản nước ta thu hút hơn 32% số lao động, tạo ra hơn 14,8% GDP và kim ngạch xuất khẩu đạt trên 40 tỷ USD. Đặc biệt, tính bền vững của nông nghiệp Việt Nam được thể hiện rõ qua kết quả về môi trường nông nghiệp, nông thôn, đang từng bước được cải thiện. Việc sử dụng phân bón hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt có xu hướng giảm. Tỷ lệ thuốc bảo vệ thực vật sinh học được sử dụng có xu hướng tăng, từ khoảng 10% năm 2012 lên 20% năm 2020.
Tỷ lệ phân bón hữu cơ được sử dụng tăng, năm 2020 đạt khoảng 26,3%. Trong chăn nuôi, chất lượng thức ăn chăn nuôi và thủy sản được kiểm soát khá tốt. Việc sử dụng chất cấm được xử lý nghiêm. Các cơ sở chăn nuôi ngày càng quan tâm tới xử lý môi trường.
Trong lĩnh vực lâm nghiệp, hằng năm cả nước trồng mới trên 200 ngàn ha rừng và khoảng 50 triệu cây phân tán, diện tích rừng tự nhiên được bảo vệ nghiêm ngặt; tỷ lệ che phủ rừng tăng từ 40,7% (năm 2012) lên 41,85% (năm 2019) và 42% (năm 2020), đạt mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2020-2025 đề ra (45%).
Việt Nam đang thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2025; và tầm nhìn 2045 với nhiều thách thức về ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo chất lượng môi trường và an sinh xã hội trong bối cảnh quốc tế không thuận lợi và chịu nhiều tác động tiêu cực do chiến tranh cục bộ; biến đổi khí hậu; tăng trưởng thấp; khủng hoảng nợ công ở phạm vi toàn cầu. Để đảm bảo được những mục tiêu phát triển như trên, từ tháng 9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh.
Tăng trưởng xanh ở Việt Nam là mô hình tăng trưởng dựa vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, nhằm khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu quả kinh tế và khả năng cạnh tranh thông qua nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm khí thải nhà kính, đối phó biến đổi khí hậu, góp phần giảm nạn đói nghèo, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Nền nông nghiệp bền vững nước ta đang tập trung: Bảo vệ và khôi phục độ phì nhiêu đất, giảm thiểu lãng phí, tối ưu hoá việc quản lý và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên; đảm bảo đầy đủ và đáng tin cậy nguồn thu nhập từ nông nghiệp; đạt được sự hoà hợp của các chu trình sinh học tự nhiên; sử dụng các nguồn không tái sinh được và nguồn đầu vào của sản xuất phải nhập từ bên ngoài. Đó chính là Quyết định 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án Phát triển Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030.
![]() |
Ảnh minh họa |
Năng lượng tái tạo đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong việc phát triển nông nghiệp bền vững. Việc sử dụng năng lượng tái tạo ở những cơ sở sản xuất lớn không chỉ giúp nâng cao năng suất mà còn giảm nguy cơ xả chất thải ra môi trường. Có thể tận dụng năng lượng mặt trời, gió làm nguồn điện cho các loại máy bơm, hệ thống làm nóng trong nhà kính hoặc các loại hàng rào điện, tận dụng nguồn chất thải từ gia súc để làm biogas giúp giảm các chi phí sinh hoạt để tái đầu tư.
Một trong những phương pháp phổ biến và hiệu quả nhất trong nông nghiệp bền vững đó là luân canh cây trồng. Luân canh giúp nông dân đối phó với vấn đề sâu bệnh cải thiện độ phì đất đai. Tăng độ che phủ đất, đồng thời bảo vệ đất đai khỏi xói mòn và quản lý nguồn đất canh tác. Quản lý sâu bệnh hại bằng các phương pháp sinh học giúp hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, từ đó giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ các loài sinh vật có lợi, bảo vệ sức khỏe con người, giảm nguy cơ phơi nhiễm hóa chất độc hại.
Phát triển bền vững từ nông nghiệp hữu cơ
Các sản phẩm của nông nghiệp là nguồn cung cấp đầu vào quan trọng của công nghiệp chế biến, qua đó nâng cao giá trị của nông sản, đặc biệt là hướng đến xuất khẩu; Về mặt xã hội, vai trò của phát triển nông nghiệp hữu cơ và bền vững là sự đóng góp của nông dân cho sự phát triển của xã hội, đảm bảo sự công bằng trong phát triển, nâng cao thu nhập cho người nông dân, cải thiện chất lượng cuộc sống, xóa đói giảm nghèo, giảm khoảng cách thu nhập giữa các tầng lớp và các nhóm xã hội.
Trong các biện pháp điều tiết vĩ mô nền kinh tế nói chung và khuyến khích sự phát triển của nông nghiệp sạch nói riêng thì chính sách tài chính (chính sách thuế, phí; chính sách chi ngân sách; chính sách tín dụng…) là một trong những công cụ rất hữu hiệu, có vai trò định hướng và điều tiết sự phát triển của lĩnh vực nông nghiệp phù hợp với yêu cầu và định hướng phát triển kinh tế của đất nước trong từng giai đoạn.
Chính sách tín dụng và thuế đóng vai trò quan trọng trong việc huy động ngân sách nhà nước và điều chỉnh kinh tế vĩ mô. Đối với phát triển nông nghiệp bền vững, thuế tác động đến mối quan hệ cung - cầu các mặt hàng nông nghiệp sạch; góp phần thúc đẩy tích tụ đất, phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại; khuyến khích việc ứng dụng khoa học và công nghệ, thu hút vốn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Tín dụng phù hợp sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư và nông dân yên tâm phát triển sản xuất.
Phát triển cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp; đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoa học, hỗ trợ đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp và khắc phục khó khăn. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nông nghiệp Việt Nam vẫn đạt được những kết quả nổi bật, tiếp tục phát triển khá toàn diện trên cả ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường.
![]() |
Năng lượng tái tạo đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong việc phát triển nông nghiệp bền vững. |
Hệ thống thể chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục được đổi mới, phù hợp và hiệu quả hơn, kịp thời bổ sung nguồn lực cho phát triển các lĩnh vực then chốt của ngành nông nghiệp. Đây chính là đòn bẩy quan trọng tạo ra những chuyển biến cho toàn ngành nông nghiệp nói chung và là tiền đề cho sự phát triển nông nghiệp trong thời gian tới.
Đề án phát triển Nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 nhằm phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và phát huy tiềm năng thế mạnh về nông nghiệp hữu cơ của các vùng, miền và địa phương. Đây là bước ngoặt quan trọng để phát triển nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của khu vực và thế giới; đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới.
Phát triển nông nghiệp bền vững là một hợp phần quan trọng không thể thiếu của phát triển bền vững nền kinh tế, phù hợp với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời là xu hướng tất yếu của thời đại. Ưu tiên sử dụng các vùng có điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi cho từng đối tượng cây trồng, vật nuôi để sản xuất hữu cơ; lựa chọn loại cây trồng, vật nuôi và giống cây trồng, vật nuôi thích ứng tốt với điều kiện thổ nhưỡng, chống chịu sâu bệnh và có thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ là ưu tiên trong quá trình phát triển. Do đó, các chính sách cần được nghiên cứu, rà soát và sửa đổi để phù hợp với bối cảnh mới của nền kinh tế - xã hội, đồng thời luôn phản biện và điều chỉnh chính sách góp phần khuyến khích lĩnh vực nông nghiệp phát triển theo các mục tiêu đã đề ra.