Để thúc đẩy ứng dụng công nghệ, huyện Mộc Châu đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, HTX - Ảnh minh họa. |
Ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số đang dần thay đổi diện mạo ngành nông nghiệp huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Nông sản chất lượng cao, truy xuất nguồn gốc rõ ràng không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân mà còn nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Mộc Châu vốn nổi tiếng với khí hậu mát mẻ, thổ nhưỡng màu mỡ, là điều kiện lý tưởng để phát triển nông nghiệp. Nắm bắt xu thế tất yếu, huyện đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số vào sản xuất, tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng và giá trị nông sản.
Điển hình như Hợp tác xã nông nghiệp Dũng Tiến ở xã Phiêng Luông, với 25 ha rau, củ, quả, trong đó 10 ha đạt chuẩn VietGAP và 5 ha trồng trong nhà kính, nhà lưới theo hướng hữu cơ. Toàn bộ quy trình từ tưới nước, bón phân đến phun thuốc đều được tự động hóa bằng công nghệ hiện đại. Sản phẩm được quản lý bằng mã vạch truy xuất nguồn gốc, ghi lại đầy đủ thông tin từ nơi trồng, thời gian thu hoạch đến quy trình chăm sóc. Nhờ đó, năng suất, chất lượng nông sản không ngừng nâng cao, giá trị canh tác đạt 500 triệu đồng/ha/năm.
Không chỉ doanh nghiệp, HTX, nhiều hộ nông dân cũng mạnh dạn đầu tư công nghệ. Anh Mùi Văn Hợp ở xã Nà Mường đã chuyển đổi 600 m2 đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cà chua trong nhà lưới. Anh chia sẻ: "Tuy chi phí đầu tư ban đầu cao, nhưng hiệu quả kinh tế vượt trội. Cà chua ít sâu bệnh, giảm thuốc bảo vệ thực vật, năng suất cao, dự kiến thu nhập hơn 400 triệu đồng/năm."
Để thúc đẩy ứng dụng công nghệ, huyện Mộc Châu đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, HTX, nông dân đầu tư nhà kính, nhà lưới, hệ thống tưới tiêu tự động, ứng dụng công nghệ sinh học, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... Đồng thời, huyện cũng đẩy mạnh tập huấn kỹ năng thương mại điện tử, hỗ trợ xây dựng gian hàng trực tuyến, xúc tiến tiêu thụ nông sản.
Kết quả đạt được thật đáng mừng. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác năm 2024 ước đạt gần 80 triệu đồng. Toàn huyện có 486 cơ sở ứng dụng tưới tiết kiệm, 141 cơ sở đầu tư nhà kính, nhà lưới, hơn 1.120 ha cây ăn quả, rau màu đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 24 mã số vùng trồng xuất khẩu...
Ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, mà còn giúp Mộc Châu xây dựng thương hiệu nông sản an toàn, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Đây chính là chìa khóa để nâng cao sức cạnh tranh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển bền vững.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Mộc Châu cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong nông nghiệp. Cần tập trung nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của công nghệ cao, chuyển đổi số, giúp họ hiểu rõ và mạnh dạn áp dụng vào sản xuất. Bên cạnh đó, cần mở rộng các nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ nông dân tiếp cận với các gói vay đầu tư công nghệ. Đào tạo nhân lực cũng là một yếu tố quan trọng, cần tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo kỹ thuật cho nông dân, cán bộ nông nghiệp về vận hành, bảo trì các thiết bị công nghệ cao. Cuối cùng, cần chú trọng kết nối thị trường, xây dựng sàn thương mại điện tử, kết nối với các siêu thị, cửa hàng, doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản.