![]() |
Măng vầu có giá trị hàng hóa cao, người dân có thu nhập hàng chục triệu đồng từ khai thác măng. Ảnh minh họa. |
Theo công văn số 236/UBND-NLN UBND huyện Văn Bàn yêu cầu dừng khai thác măng vầu trên địa bàn toàn huyện đến hết ngày 28/2/2025. Thời gian dừng khai thác, vận chuyển, tiêu thụ từ ngày 1/3/2025.
Nhằm tổ chức chăm sóc, bảo vệ diện tích cây măng vầu sau khai thác, cũng như đảm bảo sinh trưởng cho cây măng phát triển tốt. UBND huyện yêu cầu các đơn vị liên quan, UBND các xã, các đơn vị chủ rừng tổ chức lực lượng kiểm tra, ngăn chặn, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi khai thác, vận chuyển, tiêu thụ măng vầu sau thời gian dừng khai thác.
Trong công văn cũng nêu rõ, đối với Hạt Kiểm lâm Văn Bàn; Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị; UBND các xã, thị trấn, chủ rừng, tổ chức kiểm tra, lập hồ sơ xử lý các hành vi khai thác, vận chuyển, tiêu thụ măng vầu sau thời gian dừng khai thác.
Huyện Văn Bàn được biết đến là thủ phủ của các loại măng đặc sản vùng Tây Bắc như măng vầu, măng sặt, măng bói.... trong đó có khoảng hơn 3.700 ha rừng vầu và rừng hỗn giao có phân bố cây vầu.
Măng vầu là cây non được mọc từ cây vầu, loại măng này chỉ ngọt khi còn được bao bọc trong lòng đất. Khi măng mọc cao sẽ có vị the đắng. Để hài hòa giữa khai thác và bảo vệ, huyện Văn Bàn đã chủ động xây dựng, ban hành phương án quản lý, khai thác, sử dụng măng vầu bền vững và không làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái của rừng.
Măng vầu mọc rộ nhất là khoảng giữa tháng Giêng. Những năm gần đây, do nhu cầu thị trường cao nên việc khai thác măng thương phẩm ngày càng lớn. Đây là nguồn thu không nhỏ góp phần nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống cho người dân sống gần rừng, thúc đẩy người dân tham gia bảo vệ rừng.