![]() |
Hội nghị tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm sầu riêng phục vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng |
Tham dự hội nghị có, ông Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, ông Nguyễn Văn Khánh - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh; Ông Trần Thanh Tùng - Giám đốc Trung tâm Kiểm định và Khảo nghiệm thuốc BVTV phía Nam, ông Ngô Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II, ông Hà Ngọc chiến - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, bà Nguyễn Thùy Quý Tư- Chi cục trưởng Chi cục chất lượng, chế biến và PTTT, bà Võ Thị Thu Nga – Phó Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc.
Lâm Đồng là địa phương có điều kiện tự nhiên, khí hậu, đất đai thuận lợi, có lợi thế cạnh tranh về diện tích, năng suất, sản lượng để hình thành các vùng sản xuất sầu riêng tập trung. Năm 2024, tổng diện tích sầu riêng toàn tỉnh 25.610 ha; diện tích trồng thuần 11.397 ha, trong đó có 9.121 ha ở giai đoạn kinh doanh; diện tích trồng xen 14.213 ha, trong đó 4.816 ha ở giai đoạn kinh doanh. Tổng sản lượng thu hoạch năm 2024 đạt 175.282 tấn.
![]() |
Ông Trần Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Kiểm định và Khảo nghiệm thuốc BVTV phía Nam trao đổi ý kiến với các đại biểu tại Hội nghị |
Vùng trồng sầu riêng tập trung nhiều nhất tại các huyện Đạ Huoai, Di Linh, Bảo Lâm với tổng diện tích 19.808 ha, sản lượng 140.696 tấn (chiếm 77,3% về diện tích và 80,3% về tổng sản lượng sầu riêng của tỉnh), Trong đó: Đạ Huoai là địa phương sản xuất sầu riêng chủ lực với diện tích 10.190 ha, sản lượng trên 76.334 tấn (chiếm 39,8% về diện tích và 43,5% về sản lượng toàn tỉnh); huyện Di Linh: diện tích 6.090 ha; sản lượng 38.322 tấn (23,8% về diện tích và 21,8% về sản lượng); huyện Bảo Lâm: diện tích 3.528 ha, tổng sản lượng 26.040 tấn (13,8% về diện tích và 14,8% về diện tích toàn tỉnh).
Diện tích sầu riêng ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm đạt trên 7.000 ha; chứng nhận an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP 500 ha. Năm 2021, UBND tỉnh đã công nhận vùng sản xuất sầu riêng ứng dụng công nghệ cao xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai 300 ha.
Cơ cấu giống sầu riêng chủ lực là các giống Dona, Ri 6. Thời gian thu hoạch sầu riêng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có sự dàn trãi đều trong năm: tại huyện Đạ Huoai tập trung từ 15/4-30/9, tập trung 15/5-30/6 trùng với thời điểm thu hoạch chính vụ của các tỉnh miền Tây, Đông Nam Bộ và Thái Lan; các địa phương: Bảo Lâm, Bảo Lộc, Di Linh, Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông thời gian thu hoạch kéo dài từ 15/8-15/11, tập trung từ 20/9-30/10 trùng với thời điểm thu hoạch của các tỉnh Tây Nguyên.
![]() |
Các đại biểu trao đổi ý kiến trong buổi Hội nghị |
Năm 2024, Bộ Nông nghiệp và PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) ký Nghị định thư về việc xuất khẩu sầu riêng đông lạnh. Đây là một bước tiến quan trọng góp phần thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng cho tỉnh Lâm Đồng trong thời gian tới.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, đã được Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu sầu Riêng Đạ Huoai và đăng ký Chứng nhận nhãn hiệu cho sầu riêng Di Linh tại Quyết định số 93626/QĐ-SHTT ngày 03/11/2023.
Ngoài ra, tỉnh Lâm Đồng có 61 doanh nghiệp, HTX thu mua sầu riêng, phần lớn sản lượng sầu riêng sản xuất tại địa phương đều cung ứng cho thị trường để ăn tươi, chiếm 85% tổng sản lượng sầu riêng toàn tỉnh. Bên cạnh sản phẩm sầu riêng ăn tươi, các doanh nghiệp có xu hướng chuyển sang chế biến dạng bóc múi và cấp đông, điển hình như công ty TNHH TMSX Long Thủy; Công ty TNHH B'laoFood; công ty TNHH Đức Huệ Lâm Đồng, ... chiếm 15% tổng sản lượng sầu riêng toàn tỉnh.
Toàn tỉnh có 35 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm sầu riêng với 1.639 hộ tham gia, diện tích 4.339 ha, trong đó huyện Đạ Huoai có 19 chuỗi, 731 hộ và diện tích 1.513 ha.
Năm 2024, sản lượng xuất khẩu sầu riêng là 25.518 tấn, với tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng khoảng 104,15 triệu USD, tăng 2,72 triệu USD so với năm 2023. Trong đó, xuất khẩu sầu riêng tươi đạt 20.214 tấn (chiếm 11,5% tổng sản lượng sầu riêng của tỉnh) và sầu riêng bóc múi 1.326 tấn (tương đương với 5.304 tấn sầu riêng tươi), chiếm 03% tổng sản lượng sầu riêng của tỉnh.
Tại Hội nghị này, các đại biểu được phổ biến các quy định KDTV và ATTP đối với sầu riêng xuất khẩu; tăng cường kiểm soát về dư lượng thuốc BVTV, kim loại nặng và vàng ô đối với sản phẩm sầu riêng; đánh giá khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao năng lực quản lý chất lượng sầu riêng, đảm bảo luôn tuân thủ các quy định của nước nhập khẩu; góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thương hiệu nông sản của tỉnh Lâm Đồng.
![]() |
Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại Hội nghị |
Cũng tại Hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, cho biết: Hiện nay, sầu riêng của tỉnh Lâm Đồng đang chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch tại các vùng trồng của huyện Đạ Huoai. Để tăng cường quản lý chất lượng của các lô hàng trái cây xuất khẩu, bảo đảm việc tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu; tránh nguy cơ bị áp các biện pháp kiểm soát từ nước nhập khẩu. Yêu cầu đặt ra cần phải chủ động giám sát chặt chẽ các đối tượng KDTV tại các vùng trồng, CSĐG đã được cấp mã số tại địa phương; đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt kiểm soát kim loại nặng Cd, Pb trong sản phẩm và tuyệt đối không sử dụng chất cấm Vàng O (Auramine O) trong sản xuất, sơ chế, bảo quản sản phẩm sầu riêng.
Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng đặc biệt quan tâm và có sự chỉ đạo quyết liệt trong công tác quản lý, giám sát mã số vùng trồng, CSĐG trên địa bàn tỉnh. Sở Nông nghiệp và Môi trường đã giám sát 116 vùng trồng và CSĐG; lấy 759 mẫu sầu riêng (năm 2023: 380 mẫu, năm 2024: 379 mẫu) giám định sinh vật gây hại, phân tích dư lượng thuốc BVTV và kim loại nặng cadimi (Cd) và chì (Pb). Kết quả phát hiện 11 mẫu sầu riêng bị nhiễm rệp sáp; 6 mẫu bị nhiễm Cd nhưng ở mức rất thấp 0.020-0,024mg/kg so với mức giới hạn tối đa của Trung Quốc (giới hạn cho phép tối đa 0.05mg/kg).
Để thực hiện tốt công tác quản lý mã vùng trồng, Cơ sở đóng gói, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã thông báo văn bản cho các vùng trồng bị nhiễm kim loại nặng; đồng thời đề nghị nghiêm túc thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của nước nhập khẩu và của Việt Nam, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến rộng rãi để các hộ liên kết trong vùng trồng hiểu và tuân thủ; tăng cường kiểm soát chặt chẽ các loại phân bón, thuốc BVTV sử dụng trong vùng trồng phải có trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam; sử dụng theo nguyên tắc 4 đúng và đảm bảo thời gian cách ly khi thu hoạch sản phẩm. Không sử dụng các sản phẩm (phân bón, thuốc BVTV) có chứa Cadimi (Cd) và Chì (Pb).
Nhằm xác định nguyên nhân sản phẩm sầu riêng bị nhiễm Cadimi nêu trên, Sở đã chỉ đạo Chi cục tiến hành lấy 07 mẫu đất và 07 mẫu nước tại 06 vùng trồng có mẫu quả sầu riêng bị nhiễm Cd để phân tích và 01 vùng trồng không bị nhiễm để đánh giá. Kết quả 07 mẫu đất và 07 mẫu nước tại các vùng trồng sầu riêng đều không bị nhiễm Cadimi.
Trong thời gian vừa qua, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường trong công tác quản lý sản xuất, xuất khẩu sầu riêng đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên tình trạng vẫn còn một số lô hàng sầu riêng của tỉnh Lâm Đồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bị nhiễm kim loại nặng Cadimi (Cd) vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của Trung Quốc, rệp sáp thuộc đối tượng KDTV và vàng ô sử dụng trong sơ chế, bảo quản sầu riêng.
Từ căn cứ trên, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng đề nghị chủ thể các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT(nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường). Thường xuyên chủ động phân tích để kiểm soát chặt chẽ các đối tượng KDTV, kim loại nặng Cd và Pb; chỉ tiêu ATTP tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói nhằm đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu; tuyệt đối không sử dụng chất Vàng O (Auramine O) trong sơ chế, bảo quản sản phẩm sầu riêng. Chỉ xuất khẩu sầu riêng khi đảm bảo kiểm soát 100% sản phẩm từ khâu vùng trồng đến đóng gói để tránh bị Trung Quốc cảnh báo, tạm dừng mã số.
![]() |
Ông Nguyễn Văn Danh, Cán bộ của Chi cục Trồng trọt và BVTV Lâm Đồng, báo cáo tình hình sản xuất, cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu trên địa bàn |
Kết thúc Hội nghị, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng tổng hợp ý kiến các đại biểu, trong đó có ý kiến của các HTX và doanh nghiệp trên địa bàn, để tìm ra phương án khắc phục những vướng mắc hiện tại và triển khai những kế hoạch sắp tới.
![]() |
Buổi kí kết Hợp đồng dịch vụ thử nghiệm giữa 4 đơn vị với Trung tâm Kiểm định và Khảo nghiệm thuốc BVTV phía Nam |
Đồng thời, diễn ra việc kí kết Hợp đồng dịch vụ thử nghiệm của 4 đơn vị (Công ty TNHH B’LAOFOOD, Công ty TNHH SX TM Long Thuỷ, Công ty TNHH Hiệp Huyền Di Linh, Công ty TNHH Bảo Phúc Hoà Nam) với Trung tâm Kiểm định và Khảo nghiệm thuốc BVTV phía Nam, trong việc, thử nghiệm dư lượng thuốc BVTV, kim loại nặng đối với sản phẩm sầu riêng với chỉ tiêu thử nghiệm, phương pháp thử nghiệm đã được đăng ký theo quy định của pháp luật tương ứng tại mỗi đợt gửi mẫu.../.