Ảnh minh họa. |
Kỷ niệm giúp nâng cao nhận thức của con người về ngành hàng không trên toàn thế giới và hàng không dân dụng quốc tế đối với sự phát triển kinh tế và xã hội. Ngày 04/04/1947 tại Montreal, Canada, tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế đã được thành lập. Tổ chức này thuộc Liên Hiệp Quốc với nhiệm vụ đưa ra các văn bản và quy định về ngành hàng không trên toàn thế giới. Cụ thể đó là các nguyên tắc và kỹ thuật của dẫn đường hàng không quốc tế. Cũng từ đó tạo điều kiện cho ngành hàng không phát triển và đảm bảo các vấn đề an toàn và lớn mạnh.
Cùng với đó, tổ chức này cũng đảm nhiệm việc ngăn chặn các hành động, quy trình bay trái luật. Thêm vào đó, ICAO còn đưa ra định nghĩa, quy chuẩn cũng như những cách thức để điều tra tai nạn hàng không dựa theo công ước hàng không dân dụng quốc tế (còn gọi là công ước Chicago) để các cơ quan hàng không ở các quốc gia dựa trên cơ sở đó thực hiện. Tính đến 11/2011, tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế có 191 thành viên, bao gồm 190 trên 193 thành viên của Liên Hợp Quốc (trừ Dominica, Liechtenstein, và Tuvalu), cộng với quần đảo Cook. Việt Nam trở thành thành viên chính thức của ICAO ngày 12/4/1981.
Năm 1994, Đại hội đồng ICAO đã thông qua Nghị quyết A29-1 lấy ngày 07/12 làm “Ngày Hàng không dân dụng thế giới” và để kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ICAO. Năm 1996, theo sáng kiến của ICAO và sự giúp đỡ của Chính phủ Ca-na-đa, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chính thức thông qua Nghị quyết công nhận ngày 07/12 là “Ngày Quốc tế Hàng không dân dụng” và đưa vào trong hệ thống những ngày kỷ niệm chính thức của LHQ.
Chuyến bay thành công đầu tiên của anh em nhà Wright ngày 17/12/1903 đánh dấu sự khởi đầu các chuyến bay và ngành Hàng không dân dụng. Giấc mơ bay vào không trung từ nhiều thế kỷ trước đã thành hiện thực. Từ những chuyến bay sơ khai ban đầu, đến Chiến tranh thế giới lần thứ hai, ngành Hàng không đã có bước phát triển mạnh mẽ ở nhiều nước trên thế giới. Khi đó, đòi hỏi khách quan về sự phối hợp hoạt động hàng không giữa các nước với nhau mang tính toàn cầu.
Trên cơ sở ý kiến đề xuất của Hoa Kỳ và sau khi tham khảo ý kiến giữa các nước đồng minh chủ yếu, Chính phủ Hoa Kỳ đã mời 55 quốc gia tham dự Hội nghị Hàng không dân dụng quốc tế vào tháng 11/1944 tại Chicago. Đã có 54 quốc gia tham dự Hội nghị này. Kết thúc Hội nghị, một Công ước về Hàng không dân dụng quốc tế đã được 52 quốc gia ký kết. Theo đó, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã được thành lập như một phương tiện để đảm bảo hợp tác quốc tế ở mức độ cao nhất nhằm thống nhất các quy định và tiêu chuẩn, thủ tục và cách thức tổ chức các vấn đề hàng không dân dụng. Đồng thời, Hiệp định quá cảnh dịch vụ quốc tế và Hiệp định vận tải hàng không quốc tế đã được ký kết.
Các công việc quan trọng nhất thực hiện tại Hội nghị Chicago là trong lĩnh vực kỹ thuật bởi. Hội nghị này đã đặt nền móng cho việc thiết lập các quy tắc và quy định liên quan đến tổng thể ngành Hàng không, mang lại an toàn bay một bước tiến lớn về phía trước và mở đường cho việc áp dụng một hệ thống không vận chung trên toàn thế giới. Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế lâm thời (PICAO) đã thực hiện các mục đích cơ bản của Công ước Chicago về Hàng không dân dụng quốc tế cho đến 04/4/1947. ICAO chính thức đi vào hoạt động sau khi nhận đủ số lượng phê chuẩn Công ước từ các quốc gia thành viên.
Trong hơn 75 năm, vận tải hàng không đã trở thành chất xúc tác cho chuyển đổi cơ bản về kinh tế, xã hội và văn hóa. Thông qua ICAO, ngành Hàng không dân dụng của các nước đã nhận được nhiều sự giúp đỡ, hợp tác quốc tế. Kể từ ngày thành lập, ICAO đã tạo ra và liên tục cập nhật các tiêu chuẩn và khuyến cáo thực hành (SARPs), cũng như các chính sách liên quan và hướng dẫn cho các quốc gia. ICAO là hiện thân của tinh thần hợp tác và sự cống hiến của 190 quốc gia để đạt được sự phát triển an toàn và có trật tự của hàng không dân dụng trên toàn thế giới. Mục đích của việc kỷ niệm toàn cầu là để tạo ra và củng cố nhận thức về tầm quan trọng của Hàng không dân dụng quốc tế trong việc phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia trên toàn thế giới và về vai trò của ICAO trong việc thúc đẩy an toàn, hiệu quả và tính đều đặn của vận tải hàng không quốc tế .
Hàng không dân dụng giúp cải thiện sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. LHQ đã công nhận hàng không dân dụng cũng là một yếu tố quan trọng góp phần vào sự thịnh vượng và hòa bình toàn cầu. Ngày hàng không quốc tế ra đời nhằm nhằm thúc đẩy an toàn, hiệu quả và tính đều đặn của vận tải hàng không quốc tế. Theo ICAO: “Sự đổi mới sẽ là trọng tâm của các mối quan hệ đối tác và các chiến lược phục hồi khi ngành hàng không dân dụng quốc tế trở lại tốt đẹp hơn sau đại dịch COVID-19, thiết lập một mạng lưới toàn cầu mới, xanh hơn và linh hoạt hơn khi đối mặt với các mối đe dọa từ đại dịch trong tương lai”.
Ngày hàng không Dân dụng Quốc tế được ghi dấu như một dấu mốc quan trọng trong lịch sử hàng không. 2 năm đại dịch Covid, ngành hàng không bị ảnh hưởng nghiêm trọng khiến doanh thu giảm sút, số người mất việc làm ngày càng tăng lên. Đây cũng là một sự kiện được ghi nhớ và là nền tảng mạnh mẽ cho những bước đột phá trong năm 2024 và 2025./.