Tỉnh Kon Tum sẽ truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh |
Nội dung Đề án nhằm mục đích nâng cao năng lực sản xuất và triển khai công nghệ truy xuất nguồn gốc cho các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, chế biến và phân phối nông lâm thủy sản tại tỉnh Kon Tum, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, minh bạch, đáng tin cậy và phòng chống giả mạo,
hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng; đồng thời phát hiện kịp các vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm nông thủy sản, bảo đảm an toàn thực phẩm, xây dựng niềm tin vững chắc từ người tiêu dùng đối với sản phẩm địa phương, hỗ trợ phát triển bền vững ngành nông nghiệp của tỉnh. Qua đó, nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện năng lực cạnh tranh trên cả thị trường nội địa và quốc tế, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh.
UBND tỉnh Kon Tum giao nhiệm vụ cho các Sở, ban, ngành phối hợp tiến hành rà soát, xây dựng, hoàn thiện và phát triển chuỗi giá trị nông lâm thủy sản chủ lực và đặc sản của tỉnh, gắn truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. Thường xuyên thông tin, tuyên truyền, phổ biến các mục tiêu, nhiệm vụ của các hoạt động truy xuất nguồn gốc đến các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuộc ngành, lĩnh vực quản lý. Chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước cho nhóm sản phẩm hàng hóa đã được truy xuất nguồn gốc.
Đối với UBND các huyện, thành phố chủ trì, tổ chức xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn quản lý phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Cân đối, bố trí nguồn lực và kinh phí từ ngân sách huyện/thành phố, kết hợp huy động các nguồn vốn xã hội hóa để hỗ trợ triển khai đề án. Phối hợp với các Sở, ngành thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá hiệu quả thực hiện tại địa phương, kịp thời báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ngành có liên quan các vướng mắc khó khăn và đề xuất giải pháp tháo gỡ. Hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh tiếp cận công nghệ và quy trình truy xuất nguồn gốc.
Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh chủ động xây dựng và áp dụng truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm, hàng hóa của mình theo quy định hiện hành của pháp luật; báo cáo trung thực, kịp thời tình hình xây dựng và áp dụng truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm, hàng hóa của mình theo yêu cầu của cơ quan chức năng.
Để Đề án triển khai hiệu quả cao cần sự đồng bộ của các Sở, ngành, huyện, các tổ chức doanh nghiệp và cá nhân chung tay thực hiện hướng đến mục tiêu năm 2025 tối thiểu 30% các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông thủy sản sử dụng mã số, mã vạch trên địa bàn tỉnh có hệ thống truy xuất nguồn gốc; Có vùng nguyên liệu được chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm. Đến năm 2030 phấn đấu 100% các sản phẩm, hàng hóa tiêu biểu, sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh và 100% các sản phẩm, hàng hóa thuộc đối tượng bắt buộc được áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, gắn mã số mã vạch./.