![]() |
Cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh, buôn bán phân bón |
UBND tỉnh Kon Tum cho biết, trong thời gian qua, các sở, ban, ngành, cơ quan và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã có nhiều giải pháp, tích cực triển khai các hoạt động nhằm tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp lĩnh vực trồng trọt (giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, bảo đảm lợi ích của nông dân và hạn chế ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, tình trạng sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp lĩnh vực trồng trọt không bảo đảm chất lượng; hàng giả, vi phạm về nhãn hàng hóa; tình trạng quảng cáo không đúng công dụng của vật tư nông nghiệp, kinh doanh hàng ngoài danh mục được phép lưu hành còn xảy ra trên địa bàn tỉnh với diễn biến phức tạp và tinh vi, gây thiệt hại cho người sản xuất, ảnh hưởng chất lượng nông sản, ô nhiễm môi trường.
Nguyên nhân chủ yếu là do công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương chưa chặt chẽ, thiếu quyết liệt, một số địa phương chưa thực hiện tốt công tác quản lý; nguồn nhân lực tại một số địa phương còn thiếu và yếu; công tác tuyên truyền mới tập trung phản ánh vi phạm, chưa chú trọng biểu dương, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp làm tốt, bảo đảm chất lượng; chưa phát huy được vai trò giám sát, phát hiện và tham gia tố giác vi phạm của các tổ chức, cộng đồng và người dân.
Theo đó, UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh, sử dụng giống cây trồng, sản xuất, kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật thuộc địa bàn nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành, đồng thời lựa chọn cho phù hợp.
Theo thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ được giao tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, sản xuất, kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật theo thẩm quyền (nếu có), không chủ quan, trông chờ việc thanh tra, kiểm tra xử lý của lực lượng cấp tỉnh.
Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác quản lý nhà nước về sản xuất kinh doanh giống cây trồng, sản xuất, kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật; hướng dẫn người dân lựa chọn, sử dụng giống cây trồng đã có trong danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam; phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan của địa phương tăng cường công tác kiểm tra các phương tiện (xe gắn máy, xe ô tô các loại…) buôn bán giống cây trồng trái pháp luật; xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật theo thẩm quyền (nếu có). Khuyến cáo nông dân sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả, mua sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được cung cấp tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh đúng quy định.
Chỉ đạo các chủ đầu tư thực hiện dự án trên địa bàn liên quan đến giống cây trồng phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về giống cây trồng.
Thường xuyên công khai danh sách các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, phân bón trên địa bàn; các trường hợp vi phạm pháp luật (nếu có); cập nhật danh sách nguồn giống được công nhận, công nhận lại hoặc bị hủy bỏ hiệu lực công nhận trên các phương tiện thông tin đại chúng để tổ chức, cá nhân, người dân biết, lựa chọn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chịu trách nhiệm đảm bảo chất lượng vật tư nông nghiệp lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn tỉnh; xác định việc quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp lĩnh vực trồng trọt là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết cần tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn; ưu tiên phân bổ kinh phí trong dự toán ngân sách địa phương để đầu tư trang thiết bị kỹ thuật và tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp lĩnh vực trồng trọt lưu thông và sử dụng trên địa bàn; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động phối hợp với các huyện, thành phố hướng dẫn triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động sản xuất, kinh doanh về giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh; yêu cầu các tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh phải thực hiện đúng và đủ các điều kiện về sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh, sản xuất, chất lượng vật tư nông nghiệp lĩnh vực trồng trọt và pháp luật liên quan cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp lĩnh vực trồng trọt3 trên địa bàn; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ và văn bản pháp luật mới cho cán bộ, công chức quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp lĩnh vực trồng trọt từ tỉnh đến cơ sở.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện những nội dung về quyền bảo hộ giống cây trồng; hướng dẫn, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực giống cây trồng. Thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến lưu hành giống cây trồng; đặc cách giống cây trồng; công bố hợp quy giống cây trồng;… đảm bảo thuận lợi, kịp thời, đúng quy định.
Sở Công Thương: Tham mưu Ban Chỉ đạo 389 tỉnh chỉ đạo các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường lực lượng kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi kinh doanh vật tư nông nghiệp lĩnh vực trồng trọt không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi tích trữ găm hàng tạo khan hiếm nhằm đẩy giá vật tư nông nghiệp lên cao; đồng thời căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng và triển khai kế hoạch chuyên đề về đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng.
Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị, xã hội tỉnh: Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn hội viên nông dân sử dụng các loại vật tư nông nghiệp lĩnh vực trồng trọt có thương hiệu, uy tín, đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ và an toàn, hiệu quả; kịp thời phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương thực hiện kiểm soát chất lượng đối với những đơn vị cung ứng sản phẩm vật tư nông nghiệp lĩnh vực trồng trọt cho người dân. Xây dựng kế hoạch tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội đối với các sở, ngành, địa phương trong công tác quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn. Thực hiện giám sát việc thực hiện pháp luật về quản lý sử dụng các loại vật tư nông nghiệp lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn tỉnh.
Đề nghị Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trên địa bàn tỉnh tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp lĩnh vực trồng trọt lưu thông trên thị trường theo quy định của pháp luật; chú trọng kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm đối với hàng lậu, hàng giả và các hành vi gian lận thương mại; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về chất lượng hàng hóa, điều kiện sản xuất, kinh doanh, bảo quản hàng hóa.
Các sở, ban ngành và địa phương kịp thời khen thưởng, biểu dương các tổ chức, cá nhân phát hiện và cung cấp thông tin vi phạm về sản xuất, kinh doanh và chất lượng vật tư nông nghiệp lĩnh vực trồng trọt; xử lý nghiêm các trường hợp buông lỏng quản lý để xảy ra vi phạm trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách./.