Kinh nghiệm tăng trưởng xanh của thế giới đối với Việt Nam - Ảnh minh họa. |
Theo đó xác định tăng trưởng xanh là cách thức phát triển phù hợp với yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế trong giai đoạn sắp tới của Việt Nam và Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020. Liên quan đến ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020. Về chi ngân sách nhà nước, Chính phủ đã đảm bảo bố trí tối thiểu bằng 1% tổng chi ngân sách để chi cho bảo vệ môi trường và đây là khoản chi riêng biệt trong mục chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước bên cạnh các nhiệm vụ chi cho giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ và các nhiệm vụ chi khác.
Nếu tính các khoản chi gián tiếp cho môi trường, biến đổi khí hậu, phát triển các công nghệ mới giải quyết các vấn đề môi trường thì chi ngân sách nhà nước hằng năm cho tăng trưởng xanh còn lớn hơn vì các khoản chi gián tiếp tác động đến tăng trưởng kinh tế xanh được thực hiện qua các khoản chi cho khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo. Mặc dù công tác bảo vệ môi trường đã có một số chuyển biến tích cực và ngân sách hằng năm vẫn đảm bảo để giải quyết các vấn đề về môi trường, nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường và tác động của biến đổi khí hậu tới tăng trưởng kinh tế vẫn được quan tâm hiện nay vì nó có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế trong dài hạn.
Một số hạn chế hiện nay của Việt Nam là nền kinh tế vẫn chưa đủ tiềm lực về vốn cho tăng trưởng xanh như các quốc gia khác. Ðể thực hiện mục tiêu lượng phát thải đạt đỉnh vào năm 2035 và hướng tới phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, Ngân hàng Thế giới ước tính Việt Nam sẽ cần khoảng 380 tỉ USD, trong khi từ năm 2023 đến năm 2030, ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng tối đa 30% nhu cầu vốn tăng trưởng xanh cho doanh nghiệp.
Theo đó, ngân sách nhà nước không thể đáp ứng hoàn toàn nhiệm vụ chi cho bảo vệ môi trường mà cần nguồn lực chủ yếu đến từ khu vực tư nhân. Vấn đề trọng tâm bảo vệ môi trường cụ thể trong từng thời kì cần gắn liền với ưu tiên phân bổ ngân sách hằng năm vì khái niệm bảo vệ môi trường khá rộng. Từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới và hạn chế hiện nay, một số kinh nghiệm rút ra cho Việt Nam được đề xuất như sau:
Thứ nhất, Chính phủ cần xác định các mục tiêu cụ thể, trọng tâm về môi trường để cân đối ngân sách nhà nước chi cho từng khoản mục theo kinh nghiệm của Hoa Kỳ. Theo đó, trọng tâm bảo vệ môi trường là các vấn đề cụ thể như bảo vệ nguồn nước, không khí, giảm thiểu khí carbon, tài nguyên đất và chống biến đổi khí hậu.
Thứ hai, có thể chi ngân sách nhà nước trực tiếp cho người dân, doanh nghiệp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường như các hỗ trợ về tài khóa đối với các hộ gia đình, doanh nghiệp sử dụng năng lượng sạch trong tiêu dùng và sản xuất. Đồng thời, ngân sách nhà nước chi cho khoa học và công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nghiên cứu công nghệ năng lượng sạch, chi đầu tư cho cơ sở hạ tầng sử dụng tiết kiệm năng lượng cần được thống kê hằng năm cùng với ngân sách chi bảo vệ môi trường để đánh giá tổng quan về hiệu quả chi ngân sách nhà nước cho tăng trưởng xanh.
Thứ ba, có thể định hướng chuyển dịch chi ngân sách cho đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, trụ sở công, mua sắm phương tiện giao thông công có sử dụng các công nghệ xanh thân thiện với môi trường. Cân nhắc tăng chi ngân sách nhà nước cho các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng các công nghệ tiên tiến thân thiện với môi trường vào thực tế nền kinh tế.
Thứ tư, khuyến khích khu vực tư nhân chuyển dịch sản xuất nhằm hướng tới kinh tế xanh. Theo đó, Chính phủ có các ưu đãi về tài khóa và các ưu đãi khác để thúc đẩy đầu tư tư nhân cho ứng dụng các công nghệ mới thân thiện với môi trường. Đầu tư tư nhân cho phát triển kinh tế xanh được xem là vai trò chủ đạo bên cạnh chi ngân sách nhà nước trong dài hạn theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới đặc biệt Hoa Kỳ và châu Âu./.