Hiện nay, toàn huyện Khánh Sơn có 3.640ha cây ăn quả, sản lượng năm 2024 đạt 22.219 tấn - Ảnh minh họa. |
Trong hơn 20 năm qua, Khánh Sơn đã không ngừng tìm tòi và phát triển nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, đưa nông nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm hơn 70% cơ cấu kinh tế của huyện. Trong đó, cây ăn quả, đặc biệt là sầu riêng, đã tạo bước đột phá, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Hiện nay, toàn huyện có 3.640ha cây ăn quả, sản lượng năm 2024 đạt 22.219 tấn. Sầu riêng chiếm ưu thế với 2.600ha, sản lượng đạt hơn 17.000 tấn. Nhiều nhà vườn đã áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn GAP (VietGAP, GlobalGAP) với hơn 350ha; 15 mã số vùng trồng sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc với tổng diện tích 430ha.
Nhận thức được tiềm năng to lớn từ nông sản, huyện Khánh Sơn đang chuyển hướng từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, chú trọng phát triển chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao và sản xuất bền vững.
Vệc phát triển đa dạng các sản phẩm chế biến từ trái cây, đặc biệt là sầu riêng, không chỉ nâng cao giá trị thương hiệu, thu nhập cho người dân mà còn góp phần gia tăng giá trị sản xuất bình quân trên mỗi ha đất canh tác.
Huyện Khánh Sơn cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản, đặc biệt là dự án Nhà máy bảo quản nông sản sau sản xuất tại xã Sơn Bình.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, Khánh Sơn vẫn còn gặp khó khăn do thiếu các cơ sở chế biến nông sản quy mô lớn. Chính quyền địa phương đang kiến nghị tỉnh hỗ trợ kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư để xây dựng nhà máy chế biến sầu riêng và các loại nông sản khác, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của huyện.
Với định hướng chiến lược đúng đắn và sự hỗ trợ từ các cấp, ngành, Khánh Sơn hứa hẹn sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực chế biến nông sản, đưa những sản vật địa phương vươn xa hơn trên thị trường trong nước và quốc tế.