![]() |
Diện tích ruộng bỏ hoang ở một số địa phương trên địa bàn thành phố Hải Phòng đang được đưa vào sản xuất trở lại. (Ảnh minh họa) |
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế và đô thị hóa ngày càng sâu rộng, tình trạng nông dân bỏ ruộng, đất nông nghiệp bị bỏ hoang đang trở thành một vấn đề nhức nhối ở nhiều địa phương. Thực trạng này không chỉ gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai quý giá, ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia mà còn kéo theo nhiều hệ lụy về kinh tế, xã hội và môi trường.
Nhằm khắc phục vấn đề này, thành phố Hải Phòng đang thể hiện quyết tâm cao độ để không chỉ khôi phục diện tích đất nông nghiệp mà còn mang lại giá trị kinh tế cho nông dân.
Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Kiểm lâm Hải Phòng, diện tích ruộng bỏ hoang ở một số địa phương đang được đưa vào sản xuất trở lại. Cụ thể, diện tích ruộng bỏ hoang được sản xuất trở lại tính đến vụ xuân 2025 gần 1.000 ha. Trong đó, một số địa phương như các huyện Kiến Thụy, An Lão, quận An Dương... có diện tích ruộng bỏ hoang sản xuất trở lại khá lớn... Tại huyện An Lão, tính đến hết vụ mùa năm 2024 có gần 200 ha diện tích ruộng bỏ hoang được sản xuất trở lại, chủ yếu được nông dân canh tác lúa. Ở một số địa phương như quận An Dương, huyện Kiến Thụy… diện tích ruộng bỏ hoang được trồng rau màu hoặc các loại hoa cắt cành, cây ăn quả, trồng hoa sen...
Mặc dù sản xuất trở lại trên diện tích ruộng bỏ hoang thành công đem lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, quá trình sản xuất gặp một số khó khăn, một số nông dân mong muốn mua máy riêng để tự chủ sản xuất nhưng không đủ kinh phí, việc tiếp cận cơ chế, chính sách vay vốn mua thiết bị sản xuất gặp vướng mắc. Đặc biệt, hầu hết người sản xuất băn khoăn, lo lắng về việc thu gom ruộng bỏ hoang hoàn toàn tự phát, tự thỏa thuận nên khi làm ăn có lãi lại bị nông dân đòi ruộng...
Do đó, để nông dân yên tâm sản xuất, thành phố cần ưu tiên đầu tư nguồn lực hỗ trợ trực tiếp vào khu vực còn khả năng sản xuất trở lại. Nguồn vốn có thể đầu tư từ nhiều nguồn: Ngân sách nhà nước (thông qua thực hiện các cơ chế, chính sách; các chương trình, đề án, dự án…); kêu gọi các tổ chức, cá nhân tài trợ và sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất trồng trọt. Thu hút các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tích cực tham gia liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở ưu tiên khuyến khích thực hiện trên các diện tích bỏ hoang, nhất là diện tích bỏ hoang nhiều năm...
Đồng thời, khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Cần đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn, đặc biệt là hệ thống thủy lợi, giao thông, điện để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Cùng với đó, chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân thuê diện tích ruộng bỏ hoang để sản xuất trở lại. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ vốn, tín dụng ưu đãi cho nông dân, giúp họ có điều kiện đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, giúp họ nắm vững các quy trình sản xuất tiên tiến, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Cần khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, liên kết với nông dân trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm.