Người dân xã Pải Lủng phát triển đàn ong. |
Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Mèo Vạc, Tề Văn Lâm cho biết: Bò Vàng, lợn đen Lũng Pù, ong bản địa là những vật nuôi mang tính đặc trưng, thế mạnh của huyện; trong đó, bò Vàng, lợn đen Lũng Pù là giống vật nuôi từ lâu được đánh giá cao nhờ khả năng thích nghi tốt với môi trường khắc nghiệt, có chất lượng thịt thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Còn ong bản địa là loài vật đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra sản phẩm mật ong Bạc hà, một sản phẩm đặc hữu, đặc sản, giá trị dinh dưỡng cao mà ít nơi nào có được.
Đến nay, toàn huyện Mèo Vạc hiện có gần 31.000 con bò Vàng, hơn 40.000 con lợn đen Lũng Pù và gần 12.000 đàn ong. Để phát triển các giống vật nuôi này, những năm qua, huyện Mèo Vạc triển khai, thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi của T.Ư, tỉnh; lồng ghép các dự án, khai thác các nguồn vốn từ doanh nghiệp, người dân để đầu tư cho phát triển chăn nuôi; khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi theo hình thức sản xuất hàng hóa, quy mô trang trại; áp dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sản xuất chăn nuôi trong các nhóm Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi, phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường và dần hình thành các cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Hợp tác xã Tuấn Dũng, thị trấn Mèo Vạc là một trong những cơ sở chăn nuôi lớn và hiệu quả trên địa bàn huyện. Đại diện Hợp tác xã cho biết, quy mô và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của đơn vị không ngừng nâng lên. Hiện nay, Hợp tác xã đang duy trì nuôi 200 con lợn đen Lũng Pù, gồm 50 lợn nái sinh sản và 150 lợn thịt. Bình quân mỗi năm, sản lượng lợn giống xuất chuồng của Hợp tác xã đạt 500 con; lợn hơi xuất chuồng đạt gần 120 tấn; doanh thu đạt hơn 5 tỷ đồng. Ngoài ra, Hợp tác xã còn duy trì liên kết sản xuất, kinh doanh mật ong Bạc hà với sản lượng xuất bán khoảng 12.000 lít mật/năm. Các sản phẩm mật ong của Hợp tác xã đều được sản xuất theo tiêu chuẩn HACCP, VietGAHP và được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ Chỉ dẫn địa lý.
Một góc chợ bò Mèo Vạc. |
Cùng với các giải pháp phát triển về tổng đàn, huyện đặc biệt quan tâm đến việc liên kết chế biến, tiêu thụ và xúc tiến thương mại; từng bước hình thành các liên kết giữa các hộ và giữa hộ dân với Hợp tác xã, doanh nghiệp; vùng liên kết giữa các xã, huyện để thống nhất quy trình sản xuất, tiêu chuẩn, mẫu mã sản phẩm, tạo ra khối lượng sản phẩm đủ lớn. Đồng thời, chú trọng tìm kiếm, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi; kết nối các đơn vị, doanh nghiệp liên kết, thu mua sản phẩm nhằm ổn định đầu ra cho người chăn nuôi.
Mô hình chợ bò là một trong những giải pháp hiệu quả được huyện duy trì thực hiện trong nhiều năm qua nhằm quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của địa phương, trong đó chủ yếu là bò Vàng và lợn đen. Phiên chợ được họp vào sáng Chủ nhật hàng tuần. Mỗi phiên chợ có hàng trăm con bò, lợn được người dân đưa đến chợ để trao đổi, mua bán, tạo nên không khí nhộn nhịp, sôi động, thu hút đông đảo người dân, thương lái và du khách đến mua bán, tham quan, trải nghiệm.
Thời gian tới, Mèo Vạc xác định chăn nuôi bò Vàng, lợn đen Lũng Pù, mật ong Bạc hà là những sản vật thế mạnh, đóng vai trò quan trọng trong phát triển Kinh tế-Xã hội địa phương. Do vậy, huyện tiếp tục triển khai, thực hiện các giải pháp hiệu quả, cụ thể để phát triển, nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm này, từ đó xây dựng thương hiệu, tạo ra sản phẩm phục vụ du lịch độc đáo, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân./.