Drone có thể phun thuốc nhanh hơn 30 lần so với phương pháp thủ công - Ảnh minh họa. |
Sự phát triển của drone trong nông nghiệp không còn mới mẻ trên thế giới, nhưng ở Việt Nam, công nghệ này chỉ thực sự bùng nổ trong hai năm gần đây. Việc ứng dụng drone vào phun thuốc bảo vệ thực vật được xem là giải pháp hữu hiệu để giảm thiểu rủi ro cho người nông dân, nâng cao hiệu quả sử dụng thuốc, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Theo các chuyên gia, drone có thể phun thuốc nhanh hơn 30 lần so với phương pháp thủ công, giúp tiết kiệm thời gian và tăng hiệu quả làm việc. Đặc biệt, drone giúp tiết kiệm tới 97% lượng nước so với cách phun truyền thống và giảm 50% chi phí đầu vào, bao gồm chi phí nhân công và tài nguyên.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và hiệu quả, việc sử dụng drone trong nông nghiệp cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định. Người dùng phải có giấy phép bay, thiết bị phải được kiểm định an toàn và các loại thuốc bảo vệ thực vật sử dụng phải được đăng ký trong danh mục của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Việc phun thuốc bằng drone cũng cần tuân thủ nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và đúng cách. Nếu không tuân thủ, có thể gây tác hại nghiêm trọng đối với cây trồng và môi trường.
Hiện nay, nhiều địa phương trên cả nước đã ứng dụng drone vào sản xuất nông nghiệp, điển hình là việc phun thuốc trừ sâu bệnh trên lúa. Drone giúp thuốc phun đều khắp mặt ruộng, thời gian phun nhanh, chi phí giảm đáng kể so với phương pháp thủ công.
Bên cạnh đó, công nghệ AI và Big Data kết hợp với drone đang được ứng dụng để thu thập và phân tích dữ liệu về đất, nước và dinh dưỡng cho cây trồng, giúp biết chính xác vị trí cần bổ sung thuốc bảo vệ thực vật hay dinh dưỡng, từ đó giảm thiểu lãng phí và bảo vệ môi trường.
Để phát triển bền vững công nghệ drone trong nông nghiệp, cần có sự nỗ lực đồng bộ từ phía các nhà quản lý, doanh nghiệp và nông dân. Cần tiếp tục thúc đẩy các chương trình hợp tác và đào tạo để người nông dân có thể tiếp cận và sử dụng công nghệ một cách hiệu quả và an toàn nhất.