Hội thảo khoa học Sản xuất nông lâm nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển thị trường carbon được tổ chức tại tỉnh Đắk Lắk |
Hiện nay, biến đổi khí hậu đang đặt ra nhiều thách thức lớn đối với sản xuất nông, lâm nghiệp tại Đắk Lắk. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt, đã ảnh hưởng lớn đến năng suất cây trồng chủ lực như cà phê, tiêu …. Đặc biệt, tại Đắk Lắk một trong những vùng trồng cà phê lớn nhất Việt Nam, biến đổi khí hậu đang đe dọa nghiêm trọng đến nền kinh tế dựa vào nông nghiệp.
Năm 2023, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk xảy ra 19 đợt thiên tai (trong đó 13 trận lốc, sét, mưa đá, 1 đợt hạn hán và 5 đợt mưa lũ ngập lụt), 9.392 ha cây trồng bị ảnh hưởng, thiệt hại ước tính 172,5 tỷ đồng.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ những thông tin mới nhất về tác động của biến đổi khí hậu liên quan đến sản xuất nông lâm nghiệp. Đồng thời, cũng đề xuất những giải pháp cụ thể giúp người dân và các doanh nghiệp thích ứng tốt hơn như: tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông lâm nghiệp, tổ chức sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn, theo chuỗi giá trị; chuyển đổi cơ cấucây trồng, vật nuôi theo hướng phát huy lợi thế của địa phương thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ngoài việc thảo luận ngành nông lâm nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, hội thảo còn thảo luận về tiềm năng phát triển của thị trường carbon trong ngành nông lâm nghiệp tại Đắk Lắk. Hiện nay thị trường carbon đang nổi lên như một giải pháp quan trọng nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính, đồng thời mang lại thu nhập cho người dân khi tham gia vào các hoạt động bảo vệ rừng và phát triển nông nghiệp bền vững.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ những thông tin mới nhất về tác động của biến đổi khí hậu liên quan đến sản xuất nông lâm nghiệp |
Tỉnh Đắk Lắk có diện tích đất nông nghiệp hơn 600.000 ha, đất lâm nghiệp hơn 700.000 ha, độ che phủ rừng đạt 38,04 %. Với những lợi thế về tiềm năng ngành nông lâm nghiệp Đắk Lắk có những chuyển dịch khả quan. Các mô hình kinh tế nông lâm nghiệp đang thể hiện vai trò trợ lực thúc đẩy qua trình phát triển nông lâm nghiệp và phát triển nông thôn bền vững. Đây cũng là tiềm năng để tỉnh Đắk Lắk hướng phát triển tín chỉ carbon. Từng bước tham gia phát triển thị trường carbon, thực hiện giảm phát thải khí nhà kính với chi phí hợp lý, thúc đẩy phát triển, ứng dụng công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của danh nghiệp và người dân.
Tuy nhiên, Đắk Lắk đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về phát triển thị trường carbon như: sự thiếu hụt kiến thức và nhận thức của người dân, doanh nghiệp, và các cơ quan quản lý về cách thức, hoạt động và lợi ích của thị trường này. Khung pháp lý đối với hoạt động này còn hạn chế, thiếu hạ tầng và công nghệ, và khó khăn trong việc hợp tác quốc tế. Để giải quyết các thách thức này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền cộng đồng doanh nghiệp, và người dân nhằm tạo ra cơ chế thuận lợi cho việc phát triển bền vững và khai thác tiềm năng của thị trường carbon. Cần có các chương trình đào tạo, tập huấn cho nông dân và doanh nghiệp về biến đổi khí hậu và thị trường carbon. Hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để người dân tiếp cận khoa học kỹ thuật. Tăng cường hợp tác quốc tế: Việc hợp tác với các tổ chức quốc tế và các quốc gia khác trong lĩnh vực trao đổi tín chỉ carbon sẽ mở ra cơ hội mới cho Đắk Lắk trong việc bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế.
Hội thảo lần này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc đưa các giải pháp thực tiễn về ứng phó biến đổi khí hậu vào sản xuất nông lâm nghiệp tại Đắk Lắk. Đồng thời, mở ra cơ hội, tiềm năng mới cho tỉnh tham gia thị trường carbon, giúp cho địa phương không chỉ ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu mà còn phát triển bền vững hơn trong tương lai. Với việc phát triển thị trường carbon tại Đắk Lắk là một quá trình đòi hỏi sự nỗ lực của chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Với những tiềm năng sẵn có, Đắk Lắk hứa hẹn trở thành một trong những địa phương đi đầu trong việc phát triển thị trường carbon tại Việt Nam./.