Sáng 3/8/2023 tại huyện Thanh Oai, Hà Nội đã diễn ra Lễ khởi công dự án Cụm công nghiệp làng nghề Thanh Thuỳ giai đoạn 2 – Cụm công nghiệp làng nghề Phương Trung – Cụm công nghiệp Hồng Dương.
Dự Lễ khởi công có các đồng chí: Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; Phạm Quí Tiên, Thành Uỷ viên, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội; Nguyễn Mạnh Quyền, Thành Uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; cùng lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành của Thủ đô, lãnh đạo huyện Thanh Oai.
Ngoài ra, buổi lễ còn có sự có mặt của các đại biểu đến từ các Hiệp hội, doanh nghiệp, trong đó có TSKH. Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam; Nhà báo Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam.
![]() |
TSKH. Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam (ngoài cùng bên phải); bà Bùi Thị Hạnh Hiếu Phó Tổng Giám đốc Công ty tập đoàn Thăng Long Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh, Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam (thứ 2 từ trái sang) và ông Lưu Văn Xã, Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp hữu cơ Đồng Tháp (thứ 2 từ phải sang) tại Lễ khởi công |
Được biết, dự án Cụm công nghiệp làng nghề Thanh Thùy giai đoạn 2 có diện tích quy hoạch 7,7ha, diện tích xây dựng 6,5ha. Cụm công nghiệp làng nghề Thanh Thùy giai đoạn 2 nằm trên trục đường phát triển kinh tế phía Nam - Cienco 5 qua địa phận xã Thanh Thùy.
Hiện dự án Cụm công nghiệp làng nghề Thanh Thùy đang hoàn thiện bóc tách đất hữu cơ, san nền. Trong đó, Công ty Cổ phần Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh vào đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản với hệ thống sấy lúa, kho lưu trữ, sản xuất tập trung, bán hàng tập trung, bảo quản chế biến nông sản sau thu hoạch cho Đồng bằng sông Hồng và vành đai Tây Bắc… mang tầm cỡ quốc tế.
Cụm công nghiệp làng nghề Thanh Thùy giai đoạn 2 sẽ mở ra cơ hội mới cho các ngành hàng chế biến nông sản của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Đồng thời, thu hút các doanh nghiệp sản xuất cơ kim khí, các ngành nghề sản xuất, kinh doanh theo hướng công nghiệp sạch, phù hợp với quy hoạch phát triển cụm công nghiệp thành phố, góp phần gìn giữ và phát triển các làng nghề truyền thống.
Dự án Cụm công nghiệp Hồng Dương có diện tích 11,4ha nằm trên tuyến đường Hồng Dương - Liên Châu. Cụm cách quốc lộ 12B 1.300m và cách đường trục phát triển kinh tế phía Nam 250m, thuận lợi cho giao thương, vận chuyển hàng hóa và phát triển kinh tế với trung tâm Hà Nội cũng như các quận phía Nam, đồng thời kết nối Thủ đô với các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, đường mòn Hồ Chí Minh và Quốc lộ 1A.
Nằm trên địa bàn xã Phương Trung, Cụm công nghiệp Phương Trung do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng Liên Việt làm chủ đầu tư. Cụm có quy mô 9,55ha, với vị trí thuận lợi, tiếp giáp quốc lộ 21B, cách trung tâm thành phố khoảng 25km về phía Nam, cùng với các hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại, các lô đất được quy hoạch phù hợp với quy mô, công nghệ của từng ngành công nghiệp, dịch vụ.
Đại diện cho các chủ đầu tư, bà Bùi Thị Hạnh Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Công ty tập đoàn Thăng Long Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh, Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam cho biết, thời gian qua Đảng, Chính phủ luôn xác định công nghiệp hoá nông nghiệp là một mục tiêu quan trọng, chiến lược, trong đó việc phát triển cụm công nghiệp làng nghề được kì vọng là hạt nhân đổi mới, sáng tạo tại nông thôn, là nhân tố thúc đẩy cơ khí hoá, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, để từng bước đưa nông nghiệp vào hệ thống giá trị trong khu vực và toàn cầu trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu, rộng.
Theo bà Hạnh Hiếu, với vai trò là doanh nghiệp tư nhân, bà và các cộng sự hiểu thành công của doanh nghiệp không chỉ là đạt được mục tiêu, tối đa hoá lợi nhuận mà còn là mang lại giá trị sáng tạo, giá trị bền vững cho xã hội và cộng đồng.
Trước chủ trương của Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội, trăn trở của lãnh đạo Thành uỷ, UBND về việc thiết lập khu sản xuất trọng yếu mang tầm chiến lược, thể hiện đặc quyền dài hạn trong đó có những nhà máy đạt tiêu chuẩn, quy mô bài bản, phát triển bền vững, Cụm công nghiệp làng nghề tại Thanh Thuỳ, Phương Trung và Hồng Dương đã được chính quyền bàn giao mặt bằng.
![]() |
Mặt bằng Cụm công nghiệp đã được bàn giao để chủ đầu tư tiến hành xây dựng |
Đặc biệt, tại Cụm công nghiệp làng nghề Thanh Thuỳ sẽ có các nhà máy đạt tiêu chuẩn chế biến, bảo quản sau thu hoạch, tránh trường hợp được mùa mất giá, cũng như tôn vinh 40 loại gạo đặc sản vùng miền trên toàn quốc, từ Tây Bắc đến Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long.
Bà Hạnh Hiếu mong muốn, hi vọng đây sẽ là những cụm công nghiệp kiểu mẫu, để các nhà máy sẽ sản xuất các nông sản hữu cơ của Hà Nội và cả nước, qua đó sẽ nâng giá trị nông sản hữu cơ vươn tầm quốc tế.
Chính vì thế, bà Hạnh Hiếu kiến nghị lãnh đạo các cấp có các đặc thù ưu tiên cho nông nghiệp, có những vùng kiến tạo về nông nghiệp hữu cơ đạt tiêu chuẩn trên thị trường quốc tế, bởi lương thực luôn trụ đỡ của nền kinh tế.
Đại diện cho huyện Thanh Oai, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai, ông Bùi Văn Sáng cho biết : ”Với quy mô 17,14ha, 3 cụm công nghiệp có tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng, dự kiến thu hút hơn 100 doanh nghiệp, tạo việc làm cho khoảng 3.000 lao động, hằng năm đóng góp vào ngân sách hàng trăm tỷ đồng. Đây cũng là cơ hội để Thanh Oai đẩy mạnh thị trường lao động, đất đai nhà ở và các dịch vụ đi kèm, tạo nguồn thu cho ngân sách ổn định và bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện”.
Về phía thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh: “Thanh Oai với 42 làng nghề được thành phố công nhận cùng hàng nghìn cơ sở đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và sớm đưa vào hoạt động ba cụm công nghiệp sẽ góp phần giải quyết nhu cầu mặt bằng sản xuất cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện, dần đưa các cơ sở sản xuất trong các làng nghề, khu dân cư vào khu vực sản xuất tập trung, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, thúc đẩy tiềm năng phát triển bền vững công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề của địa phương”.