CĐS được xem là "cầu nối" quan trọng trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân - Ảnh minh họa. |
Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (KN-KN) tỉnh Quảng Bình đang đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) trong hoạt động khuyến nông, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong phát triển nông nghiệp. CĐS được xem là "cầu nối" quan trọng trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ số đã mang lại hiệu quả thiết thực. Ông Trương Quốc Việt ở xã Kim Hóa (Tuyên Hóa) chia sẻ, nhờ ứng dụng CĐS, sản phẩm cam, bưởi của gia đình ông đã được cấp chứng nhận VietGAP, có tem truy xuất nguồn gốc, mã QR, giúp người tiêu dùng tin tưởng hơn, giá bán cũng cao hơn.
Trung tâm KN-KN tỉnh đã hỗ trợ nhiều mô hình ứng dụng công nghệ số như: sản xuất lúa hữu cơ sử dụng thiết bị bay không người lái, trồng lạc cúc hữu cơ, sản xuất rau, quả an toàn VietGAP, thâm canh cam, bưởi, mít ruột đỏ theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm... CĐS giúp người nông dân quản lý tốt sâu bệnh, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế.
Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn do nhận thức của người dân còn hạn chế, hạ tầng công nghệ thông tin ở một số vùng nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu.
Để thúc đẩy CĐS trong nông nghiệp, Trung tâm KN-KN tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn về CĐS cho nông dân, truyền đạt kiến thức về bán hàng trên sàn giao dịch điện tử, truy xuất nguồn gốc... Trung tâm cũng sẽ tiếp tục đồng hành cùng người dân thực hiện CĐS trên các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp của tỉnh phát triển nhanh và bền vững.
CĐS trong nông nghiệp là xu hướng tất yếu, mở ra cơ hội lớn cho nông dân Quảng Bình nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận thị trường hiện đại và hội nhập sâu rộng vào nền nông nghiệp số.