|
Sau một giai đoạn suy yếu trước đồng đô la Mỹ hồi đầu năm, các đồng tiền trong khu vực Đông Nam Á đang trên đà tăng trưởng ổn định, báo hiệu sự lạc quan về triển vọng kinh tế của khu vực. Trong nửa đầu năm 2024, nhiều đồng tiền ASEAN đã chạm đáy nhiều năm do sự tăng giá mạnh mẽ của đồng đô la Mỹ, khiến các nhà đầu tư lo ngại về khả năng phục hồi của khu vực. Tuy nhiên, tình hình hiện tại đã có sự thay đổi rõ rệt, với hầu hết các đồng tiền đã phục hồi gần như toàn bộ mất mát.
Các chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng, sự phục hồi này có được là nhờ vào nhiều yếu tố. Dữ liệu kinh tế suy yếu của Mỹ làm dấy lên lo ngại về suy thoái và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất mạnh hơn dự kiến đã góp phần làm giảm sức hấp dẫn của đồng đô la. Bên cạnh đó, việc Ngân hàng trung ương Nhật Bản nâng lãi suất cũng đã gián tiếp hỗ trợ các đồng tiền châu Á, bao gồm cả ASEAN. Sự chủ động của các ngân hàng trung ương ASEAN trong việc ổn định tỷ giá hối đoái cũng đóng vai trò quan trọng. Malaysia khuyến khích các công ty nhà nước chuyển thu nhập ở nước ngoài về nước, trong khi Thái Lan và Indonesia đã trực tiếp can thiệp vào thị trường. Đà phục hồi của ngành du lịch và xuất khẩu cũng góp phần hỗ trợ các đồng tiền này.
Đồng ringgit của Malaysia đã có một màn lội ngược dòng ấn tượng. Từ mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ hồi đầu năm, ringgit đã phục hồi nhờ tăng trưởng kinh tế lạc quan, dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào và kỳ vọng Fed sớm giảm lãi suất. Tính đến ngày 12/8, ringgit đã tăng hơn 3% so với đô la Mỹ, mức tăng đáng chú ý nhất trong khu vực. Dự báo đà tăng giá của ringgit có thể duy trì trong bối cảnh kinh tế Malaysia tăng trưởng mạnh mẽ, cùng với sự quan tâm ngày càng tăng của nhà đầu tư nước ngoài và những cải cách tài khóa quyết liệt ở trong nước.
Đồng peso của Philippines cũng tăng từ đầu tháng 8 sau khi chạm đáy 20 tháng hồi tháng 6, nhờ vào lạm phát tăng và GDP quý 2 khởi sắc. Đồng baht của Thái Lan, dù từng giảm giá mạnh nhất trong khu vực, nay đã thu hẹp đáng kể mức giảm và có thể tăng giá trở lại nhờ vào mùa du lịch cao điểm sắp tới. Đồng rupiah của Indonesia cũng phục hồi phần lớn mức giảm từ đầu năm, nhờ vào các điều kiện kinh tế thuận lợi trong nước và triển vọng Fed giảm lãi suất.
Đối với Việt Nam, mặc dù đồng VNĐ vẫn đang đối mặt với một số thách thức như áp lực lạm phát và biến động trên thị trường tài chính toàn cầu, các chuyên gia kinh tế vẫn tin tưởng vào khả năng ổn định của đồng nội tệ nhờ vào các chính sách điều hành chủ động, linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước, cùng với nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định và dự trữ ngoại hối dồi dào.
Các nhà kinh tế dự báo các đồng tiền ASEAN sẽ tiếp tục ổn định và có thể tăng trưởng trong quý 4 năm 2024 sau khi Fed hạ lãi suất. Sự phục hồi của ngành sản xuất ở nhiều nước ASEAN trong năm 2025 khi tăng trưởng toàn cầu lấy lại động lực cũng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ thêm cho các đồng tiền này. Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương trong khu vực có thể sẽ giữ nguyên lãi suất trong những tháng còn lại của năm để tránh gây ra biến động tiền tệ không cần thiết trong bối cảnh toàn cầu vẫn còn nhiều bất ổn.
Tận dụng cơ hội xuất khẩu rau quả sang thị trường ASEAN |
"Miền đất hứa" cho nông sản Việt Nam |
Việt Nam hưởng lợi từ sức bật kinh tế khu vực ASEAN |