![]() |
Hình ảnh Trường Đại học Tây Nguyên, địa chỉ số 567 Lê Duẩn, TP.Buôn Ma Thuột |
Đề án phê duyệt với mục tiêu phát triển trung tâm đào tạo chất lượng cao tại thành phố Buôn Ma Thuột và thành phố Đà Lạt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với quan điểm trên cơ sở phát triển trường Đại học Tây Nguyên và Đại học Đà Lạt để tập trung nguồn lực trọng tâm phát triển đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhất là nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số, tạo đột phá cho sự phát triển nhanh, bền vững của vùng.
Đề án tập trung nội dung xây dựng hai trung tâm này vừa đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học, bảo đảm tiếp cận giáo dục, đào tạo, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vừa là trung tâm nghiên cứu, chuyển giao, cung cấp dịch vụ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với nhu cầu của thị trường lao động; có vai trò dẫn dắt kết nối, hình thành mạng lưới với các trường đại học, viện nghiêm cứu trong vùng, khu vực lân cận. Hướng tới mục tiêu một số lĩnh vực trọng điểm của nằm trong nhóm 10 cơ sở đào tạo uy tín trong cả nước, phấn đấu lọt vào trong danh sách 100 trường hàng đầu Đông Nam Á.
Theo đó, đến năm 2030, hai trung tâm này sẽ đào tạo nhân lực hàng đầu về lĩnh vực sức khỏe, nông lâm nghiệp, nông nghiệp thông minh, công nghệ sinh học, dược liệu, vật lý nguyên tử và hạt nhân, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cho địa phương và các vùng lân cận Tây Nguyên. Tỷ lệ giảng viên hữu cơ của các trường có trình độ tiến sĩ đạt trên 50% tổng số giảng viên, trong đó đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ ở các lĩnh vực trọng điểm đạt cao hơn mức bình quân của trường. Phấn đấu 100% chương trình đào tạo trình độ đại học, 50% chương trình đào tạo sau đại học được công nhận kiểm định chất lượng giáo dục theo bộ tiêu chuẩn trong nước, trên 20% số chương trình đào tạo trình độ đại học đạt tiêu chuẩn chất lượng kiểm định quốc tế.
Đối với trường Đại học Tây Nguyên cần tăng quy mô đào tạo chính quy của trường đạt trên 11.000 sinh viên, trong đó tập trung đào tạo nhân lực các ngành trọng điểm về sức khỏe, sư phạm, nông lâm nghiệp, công nghệ sinh học chiếm 50% tổng quy mô tuyển sinh; Tỷ lệ sinh viên dân tộc thiểu số tăng trên 10%, chiếm tỷ lệ trên 30%. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, nhất là lĩnh vực nông lâm nghiệp, chăn nuôi, công nghệ sinh học, phấn đấu đạt 10 – 15% tổng số nguồn thu tài chính từ hoạt động khoa học công nghệ, đào tạo ngắn hạn, hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đối với Trường Đại học Đà Lạt, tăng quy mô đào tạo chính quy của trường đạt trên 15.000 sinh viên, trong đó quy mô tuyển sinh chính quy đạt trên 3.500 sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh/1 năm; phấn đấu tỷ lệ sinh viên là người dân tộc thiểu số đạt trên 10%. Quy mô tuyển sinh các lĩnh vực trọng điểm về du lịch, nông nghiệp, công nghệ sinh học, sản xuất, chế biến, khoa học sự sống, sư phạm chiếm khoảng 25% tổng quy mô tuyển sinh. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhất là đối với những lĩnh vực có thế mạnh như nông nghiệp thông minh, dược liệu, kỹ thuật hạt nhân, phấn đấu nguồn thu hằng năm từ dịch vụ chuyển giao khoa học công nghệ đóng góp vào tổng nguồn thu của trường đạt ít nhất 10%.
Hướng tới mục tiêu năm 2045, tiếp tục mở rộng không gian phát triển hai Trường trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong cả nước, có tên trong bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu khu vực Châu Á về một số lĩnh vực trọng điểm, có thế mạnh như: nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học và du lịch./.