![]() |
Sản phẩm kẹo rau củ Kera được quảng cáo rầm rộ trong phiên livestream bán hàng. Ảnh: KERA |
Mới đây, cộng đồng mạng xôn xao trước tin Hoa hậu Thùy Tiên cùng Hằng Du Mục, Quang Linh Vlogs quảng cáo sai sự thật. Theo đó, họ cùng nhau sản xuất một loại kẹo được quảng cáo là chứa hàm lượng chất xơ cao, chỉ cần vài viên là đủ để bổ sung chất xơ cần thiết cho cơ thể người mỗi ngày.
Tại các phiên livestream bán hàng, Quang Linh Vlogs từng giới thiệu sản phẩm này dành cho những người "không ăn được rau, nhìn thấy rau là chạy" và khẳng định "1 viên tương đương 1 đĩa rau". Tuy nhiên, nam vlogger bị nhiều người cho là quảng cáo lố, quảng cáo "nổ", phóng đại công dụng sản phẩm.
Chia sẻ với báo chí, TS Nguyễn Hùng Long - phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho hay, cá nhân ông đánh giá, nội dung quảng cáo viên kẹo rau là quá đà.
Theo khuyến cáo, trung bình mỗi người mỗi ngày cần ăn khoảng 300 gram rau xanh và 100 gram trái cây. Với 1 viên kẹo chất xơ như thế này, không thể đủ được nhu cầu chất xơ theo khuyến cáo.
Tuy nhiên,mới đây một người tiêu dùng đã đăng tải video về việc kiểm nghiệm sản phẩm kẹo rau củ này tại Viện Đo lường chất lượng Quốc gia. Kết quả cho thấy, 30 viên (tương đương một hộp) chỉ có hàm lượng chất xơ là 0,51 gram, quá ít so với nhu cầu cần thiết của cơ thể người.
![]() |
Kẹo rau được hoa hậu Thùy Tiên quảng cáo là có nhiều hàm lượng chất xơ và dinh dưỡng, phù hợp cho trẻ em và người lớn. Ảnh: KERA |
Sau sự việc, trang cá nhân của Thùy Tiên nhận về vô số bình luận chỉ trích của khán giả, cho rằng cô quảng cáo sai sự thật. Trong khi phía Quang Linh Vlogs đã lên tiếng xin lỗi vì quảng cáo không chính xác, Hoa hậu Thùy Tiên chỉ xóa các bài đăng quảng cáo, không hề lên tiếng về vụ việc khiến cư dân mạng bức xúc.
Cục An toàn thực phẩm nhận được thông tin trên một số website, Facebook, Tiktok... đang quảng cáo sản phẩm Thực phẩm bổ sung SUPERGREENS GUMMIES với tên gọi là Kẹo rau củ Kera (do Công ty Cổ phần Tập đoàn Chị em rọt, địa chỉ: 144-146-148 Đường số 11, khu phố 5, Phường An Phú, TP.Thủ Đức, TP.HCM công bố, sản xuất tại Công ty Cổ phần ASIA LIFE, địa chỉ số 18/99 Nguyễn Văn Linh, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) có dấu hiệu vi phạm quy định về quảng cáo thực phẩm, gây bức xúc dư luận.
Ngay sau khi nhận được thông tin nêu trên, Cục An toàn thực phẩm đã có công văn đề nghị Sở An toàn thực phẩm Tp.Hồ Chí Minh khẩn trương kiểm tra hoạt động của Công ty Cổ phần Tập đoàn Chị em rọt (nằm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh) về điều kiện sản xuất, công bố, quảng cáo của sản phẩm kẹo rau củ Kera và xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật đồng thời công bố kết quả kiểm tra trên các phương tiện thông tin.
Đồng thời có công văn đề nghị Sở Y tế Đắk Lắk khẩn trương chỉ đạo kiểm tra Công ty Cổ phần ASIA LIFE (nằm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk) về việc tuân thủ các điều kiện trong quá trình sản xuất đối với sản phẩm kẹo rau củ Kera; việc sản xuất sản phẩm kẹo rau củ Kera trên các dây chuyền đã được cấp có đúng quy định hay không và xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật đồng thời công bố kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam - khẳng định Luật Quảng cáo có nội dung liên quan đến người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng bởi độ lan tỏa các bài viết của họ rất lớn. Vì thế, ý thức trách nhiệm cũng phải cao hơn.
“Dự thảo Luật Quảng cáo đề cập nội dung người có ảnh hưởng quảng cáo phải từng trực tiếp sử dụng sản phẩm là rất đúng, có tính răn đe và cũng giúp người nổi tiếng hiểu rằng mỗi thông tin sai lệch bị chuyển tải đều có thể tạo ra mối nguy hiểm cho cộng đồng”, ông Nguyễn Trường Sơn nói. Ông nhấn mạnh mạnh những trường hợp đã biết luật nhưng vẫn cố tình làm sai phải được xử lý nghiêm.
![]() |
Cử tri đề nghị cần bổ sung các quy định pháp luật cụ thể, chặt chẽ hơn nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Ảnh minh họa. |
Xunh quanh tình trạng quảng cáo sai sự thật, thiếu kiểm soát trên mạng xã hội. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 18/BDN ngày 14/01/2025, nội dung kiến nghị như sau:
Cử tri bày tỏ quan ngại về tình trạng quảng cáo sai sự thật, thiếu kiểm soát trên mạng xã hội hiện nay và cho rằng công tác quản lý hoạt động này còn chưa hiệu quả. Để giải quyết vấn đề này, cử tri đề nghị cần bổ sung các quy định pháp luật cụ thể, chặt chẽ hơn nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và ngăn chặn những tác động tiêu cực từ quảng cáo sai sự thật.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có ý kiến trả lời cử tri.
Cổng TTĐT của Bộ trích đăng toàn văn phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Công văn số 880/BVHTTDL-VP ngày 04/3/2025 về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới sau kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV như sau:
- Về nội dung “quảng cáo sai sự thật, thiếu kiểm soát trên mạng xã hội hiện nay và cho rằng công tác quản lý hoạt động này còn chưa hiệu quả”.
Cơ chế xử lý và áp dụng các biện pháp ngăn chặn quảng cáo vi phạm pháp luật được quy định tại khoản 2 Điều 1 của Nghị định số 70/2021/NĐ-CP ngày 20/7/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo.
Bên cạnh đó, Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo (được sửa đổi, bổ sung Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021, Nghị định số 128/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022) quy định một số hành vi vi phạm về quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ tại khoản 5 Điều 34, khoản 4 Điều 51, điểm b khoản 4 Điều 52, khoản 1 Điều 60, điểm c khoản 1 Điều 61. Đối tượng áp dụng đối với mọi tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi này thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thanh tra chuyên ngành: văn hoá, thể thao và du lịch; thông tin và truyền thông; y tế; nông nghiệp và phát triển nông thôn.
- Về nội dung “cần bổ sung các quy định pháp luật, chặt chẽ hơn nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội...”
Ngày 04/7/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu Chính phủ có Tờ trình số 350/TTr-CP trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quảng cáo tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ngày 03/01/2025, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Báo cáo số 03/BCBVHTTDL gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa và Xã hội) về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Tại dự thảo Luật, nội dung “quản lý hoạt động quảng cáo trên mạng” được quy định tại Khoản 13, Điều 1; đồng thời sửa đổi, bổ sung Điều 23 về quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội và Điều 23a quy định về quy trình, biện pháp quản lý nhà nước đối với quy định hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới.
Dự kiến Luật Quảng cáo (sửa đổi) sẽ được Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2025.
Theo khoản 7 Điều 109 Luật Thương mại 2005, quảng cáo sai sự thật bao gồm việc cung cấp thông tin không đúng về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, xuất xứ, bao bì, bảo hành và các yếu tố khác của sản phẩm, dịch vụ. Khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 cũng nghiêm cấm quảng cáo gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, chất lượng, giá cả, công dụng và các thông tin liên quan đến sản phẩm, dịch vụ. Như vậy, hành vi quảng cáo sai sự thật là vi phạm pháp luật và bị nghiêm cấm. Khi cá nhân, tổ chức có hành vi quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021, cụ thể như sau: - Đối với cá nhân: Phạt tiền từ 60 - 80 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo không đúng sự thật hoặc gây sự nhầm lẫn cho khách hàng về chất lượng, số lượng, công dụng, nguồn gốc xuất xứ, phương thức phục vụ và thời hạn bảo hành của hàng hoá, sản phẩm, dịch vụ đã được đăng ký hoặc công bố, trừ các trường hợp sau đây: + Hành vi quảng cáo mỹ phẩm có tác dụng như thuốc bị gây hiểu nhầm sản phẩm là thuốc theo khoản 4 Điều 51 Nghị định 38/2021: Phạt từ 30 - 40 triệu đồng. + Hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng bị gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc để chữa bệnh theo điểm b khoản 4 Điều 52 Nghị định 38/2021: Phạt từ 20 - 30 triệu đồng. + Hành vi quảng cáo sai sự thật về công dụng, bản chất, nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng của thức ăn chăn nuôi/thuỷ sản, chất cải tạo môi trường chăn nuôi/thuỷ sản theo khoản 1 Điều 60 Nghị định 38/2021: Phạt từ 10 - 15 triệu đồng. + Hành vi quảng cáo giống cây trồng không đúng sự thật hoặc gây sự nhầm lẫn cho khách hàng về khả năng kinh doanh giống cây trồng của cá nhân, tổ chức kinh doanh, nội dung được ghi trên nhãn hoặc nhãn hiệu theo điểm c khoản 1 Điều 61 Nghị định 38/2021: Phạt từ 05 - 10 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả bằng cách xóa bỏ, tháo gỡ, thu hồi sản phẩm, hàng hoá quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội và phải buộc cải chính thông tin, xin lỗi đối với hành vi vi phạm của mình theo quy định tại khoản 8 Điều 34 Nghị định 38/2021. - Trường hợp người vi phạm là tổ chức thì phải chịu mức phạt gấp hai lần số tiền phạt đối với cá nhân (căn cứ theo khoản 3 Điều 5 Nghị định 38/2021). Hành vi quảng cáo sai sự thật còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 197 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, theo đó người nào có hành vi quảng cáo gian dối về hàng hoá, dịch vụ, đã bị xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà tiếp tục vi phạm thì bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Ngoài ra, người có hành vi phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 05 - 50 triệu đồng, bị cấm hành nghề hoặc làm một công việc nhất định từ 01 - 05 năm. |