Rừng tự nhiên của tỉnh Bình Thuận trải rộng trên diện tích gần 290.000 ha, là nơi cư trú của nhiều loài động, thực vật quý hiếm - Ảnh minh họa. |
Bình Thuận là một trong những tỉnh có độ che phủ rừng cao nhất cả nước với hơn 43% diện tích. Rừng tự nhiên của tỉnh trải rộng trên diện tích gần 290.000 ha, là nơi cư trú của nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Bên cạnh đó, nhiều khu rừng còn gắn liền với các di tích lịch sử, văn hóa, tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt cho du lịch sinh thái. Có thể kể đến rừng đặc dụng Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu với quần thể kiến trúc Phật giáo độc đáo trên đỉnh núi và suối nước nóng Bưng Thị; rừng đặc dụng Khu Bảo tồn thiên nhiên Núi Ông với Thác Bà hùng vĩ; rừng phòng hộ Hàm Thuận - Đa Mi với thác 9 tầng, hồ Hàm Thuận, hồ Đa Mi thơ mộng; hay rừng phòng hộ Đông Giang với Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận...
Tuy nhiên, tiềm năng du lịch sinh thái của Bình Thuận vẫn chưa được khai thác xứng tầm. Việc khai thác giá trị của rừng chủ yếu tập trung vào giá trị sử dụng trực tiếp, chưa chú trọng đến giá trị dịch vụ môi trường rừng.
Nhận thức được điều này, Bình Thuận đã chủ động nắm bắt cơ hội từ Nghị định 91/2024 của Chính phủ. Nghị định này đã quy định rõ về dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng; trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, phê duyệt đề án; giải pháp thực hiện và giám sát hoạt động du lịch... tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.
Tỉnh đã và đang triển khai nhiều hoạt động nhằm cụ thể hóa các quy định của Nghị định 91/2024. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức khảo sát, học tập kinh nghiệm từ các mô hình thành công ở các địa phương khác, đồng thời xây dựng quy trình, trình tự, thủ tục cho thuê dịch vụ môi trường rừng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Trong thời gian tới, Bình Thuận sẽ tiếp tục tập trung quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời xây dựng các sản phẩm du lịch sinh thái đặc sắc, góp phần nâng cao giá trị kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.