Cây cà phê bị cháy lá, chết khô do thiếu nước vì nắng nóng kéo dài. |
Đợt nắng nóng lịch sử năm 2024 đang đẩy Việt Nam vào tình trạng báo động về an ninh nguồn nước và sản xuất nông nghiệp. Với nhiệt độ tăng cao kỷ lục, kéo dài nhiều tháng, đặc biệt tại Bắc Bộ và Trung Bộ, hệ lụy của biến đổi khí hậu đang hiện hữu.
Nắng nóng gay gắt khiến nước bốc hơi nhanh, mực nước sông hồ tụt giảm nghiêm trọng, nhiều nơi đối mặt với nguy cơ cạn kiệt nguồn nước. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt diễn ra trên diện rộng, người dân phải xếp hàng dài chờ lấy từng xô nước sạch.
Nông nghiệp Việt Nam đang lâm vào khủng hoàng chưa từng có với nhiệt độ cao kỷ lục kéo dài, tình trạng khô hạn trầm trọng, đất đai nứt nẻ, cây trồng chết khô trên diện rộng, người nông dân đang phải đối mặt với nguy cơ mất trắng mùa màng.
Tình trạng kéo dài khiến đất đai khô cằn, nguồn nước ngầm cạn kiệt, gây khó khăn lớn cho việc tưới tiêu. Nhiều cánh đồng lúa, hoa màu bị bỏ hoang do thiếu nước, cây trồng không thể sinh trưởng và phát triển. Sản lượng lúa, ngô, đậu tương, mía... đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Cà phê, một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đang chịu ảnh hưởng nặng nề. Thiếu nước khiến cây không ra hoa, đậu quả, dẫn đến sản lượng niên vụ 2024 - 2025 dự báo giảm mạnh. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến thu nhập của hàng triệu hộ nông dân trồng cà phê mà còn tác động tiêu cực đến kim ngạch xuất khẩu.
Cùng với đó, ngành chăn nuôi cũng chịu thiệt hại nặng nề do nắng nóng. Nhiệt độ cao khiến vật nuôi bị sốc nhiệt, giảm sức đề kháng, dễ mắc bệnh dịch. Tỷ lệ chết của gia súc, gia cầm tăng cao, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.
Nắng nóng, hạn hán kéo dài không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn đe dọa đến an ninh lương thực quốc gia. Sản lượng giảm sút, giá cả tăng cao, gây khó khăn cho đời sống người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp.
Không chỉ nông thôn, ngay cả các thành phố lớn như Tp,HCM cũng đang trải qua đợt nắng nóng kỷ lục trong lịch sử. Từ tháng 1 đến tháng 4/2024, người dân thành phố đã phải hứng chịu 74 ngày nắng nóng, với nhiệt độ thường xuyên vượt ngưỡng 35 độ C. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng mà còn gây áp lực lớn lên hệ thống điện,
Trước tình hình cấp bách, chính phủ đã và đang triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ người dân như cung cấp nước sạch, hỗ trợ khoan giếng, tăng cường tuyên truyền tiết kiệm nước. Tuy nhiên, để giải quyết tận gốc vấn đề, cần có những giải pháp đồng bộ, lâu dài hơn.
Đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi, xây dựng thêm hồ chứa nước, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm và chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu là những biện pháp cấp thiết. Đồng thời, việc nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng nước hiệu quả và bảo vệ nguồn nước cũng rất quan trọng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các địa phương đang tập trung vào việc nâng cấp và đảm bảo an toàn hồ chứa nước, xây dựng hệ thống cống ngăn mặn, giữ ngọt. Đồng thời, phục hồi và trồng mới rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển và đầu nguồn cũng đang được đẩy mạnh. Những nỗ lực này nhằm bảo vệ nguồn nước ngọt, giảm thiểu xâm nhập mặn và đảm bảo an ninh nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất.
Bên cạnh đó, việc bảo vệ không gian thoát lũ trên các lưu vực sông lớn như sông Hồng, sông Cửu Long, sông Đồng Nai cũng đang được đặc biệt ưu tiên. Các đô thị, đặc biệt là vùng ven biển, đang được đầu tư củng cố và xây dựng mới các công trình cấp, thoát nước để giảm thiểu nguy cơ ngập úng do mưa lớn và triều cường. Hệ thống cảnh báo sớm được cải thiện, năng lực dự báo và ứng phó với thiên tai cũng được nâng cao.