Đoàn viên thanh niên huyện Phúc Thọ giúp người dân dựng lại diện tích lúa bị đổ sau cơn bão. (Ảnh: Thành đoàn Hà Nội). |
Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) là cơn bão mạnh nhất trên biển Đông trong vòng 30 năm qua, hoàn lưu bão có phạm vi ảnh hưởng rộng khắp 26 tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hóa.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiến hành thống kê thiệt hại, tuy nhiên do nhiều địa phương vẫn mất điện, mất liên lạc nên chưa thống kê đầy đủ và chính xác được. Do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh đã làm 3.279 nhà ở bị hư hỏng; 401 cột điện bị gãy đổ; nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông bị gẫy đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gẫy đổ la liệt trên các tuyến đường tại các tỉnh, TP Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội,..
Theo báo cáo của Cục Cứu hộ Cứu nạn, tính đến 10 giờ sáng 8/9, đã có 14 người thiệt mạng (Quảng Ninh 04, Hà Nội 03, Hải Phòng 01, Hải Dương 01, Hòa Bình 04, Quân khu 3: 01), bị thương 176 người (Quảng Ninh 157, Hà Nội 08, Hải Phòng 05, Hải Dương 05, Hòa Bình 01).
Vào khoảng 5 giờ sáng ngày 8/9, tại Xóm Chầm, xã Tân Minh huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình xảy ra vụ sạt lở đất vào 1 hộ gia đình làm 4 người chết, 1 người bị thương.
Ngoài ra, có 186 người bị thương (Quảng Ninh 157, Hải Phòng 13, Hải Dương 5, Hà Nội 10). Trên biển, đã có 25 tàu xi măng và gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu ở Quảng Ninh. Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng.
Tuy nhiên, theo Báo cáo của Cục Cứu hộ Cứu nạn - Bộ Quốc phòng phát ra lúc 11 giờ ngày 8/9. số liệu tử vong có khác so với con số của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã có 14 người (Quảng Ninh 4, Hà Nội 3, Hải Phòng 1, Hải Dương 1, Hòa Bình 4, Quân khu 3 có 1 người). Bộ Quốc phòng đã điều động 17.367 người (4.730 Bộ đội và 12.637 dân quân tự vệ) và 243 phương tiện các loại thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả do Bão số 3 gây ra. Đến nay đã tổ chức di dời 38.047 hộ/141.843 người đến nơi an toàn; cứu được 47 người; tìm kiếm được 4 thi thể bàn giao cho địa phương...
Về nông nghiệp, theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã có 121.500ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hại (tập trung tại Thái Bình 76.345ha; Hải Phòng 6.750ha; Hải Dương 11.200ha; Bắc Ninh 11.009ha; Hà Nội 6.218ha; Nam Định 2.800ha; Hưng Yên 11.923 ha; Hà Nam 7.418ha, Hà Nội 6.218ha, Bắc Ninh 8.977ha,...). Ngoài ra, có 5.027ha cây ăn quả bị hư hại (tập trung tại Hải Phòng:1.000ha; Thái Bình 1.385ha, Hưng Yên 1.818ha,...); trên 1.000 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi (chủ yếu ở Quảng Ninh).
Tổ chức các tổ công tác nhanh, gọn, kịp thời, hiệu quả ứng phó thiên tai sau bão Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục về các địa phương để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, ... |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù đã sớm nắm bắt diễn biến của bão số 3 và chỉ đạo từ sớm, từ xa từ khi bão mới hình thành, các địa phương đã vào cuộc sớm, quyết liệt và chủ động trong thông tin cảnh báo đến người dân về diễn biến của bão, cũng như công tác chuẩn bị ứng phó để giảm thiểu thiệt hại; nhưng đây là cơn bão rất mạnh, đổ bộ với thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh nên thiệt hại vẫn còn rất lớn, nhất là tài sản.
Để sớm ổn định đời sống của nhân dân, khôi phục sản xuất, đồng thời triển khai ứng phó với mưa lớn sau bão, các địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo tiền phương. Trong đó, để đảm bảo khôi phục nông nghiệp, các địa phương được yêu cầu tập trung vận hành các trạm bơm và hệ thống công trình thuỷ lợi để tiêu úng cứu diện tích lúa và hoa màu bị ngập; chuẩn bị sẵn sàng nguồn giống để khôi phục sản xuất ngay sau bão.