Hội Báo toàn quốc năm 2024 đã kể trọn vẹn câu chuyện 99 năm báo chí cách mạng Việt Nam. (Trong ảnh: Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa – thứ 4 từ phải qua, cùng các đại biểu tham quan gian trưng bày báo chí tỉnh Tuyên Quang tại Hội báo toàn quốc năm 2024). |
Sự kiện có thể xem là mở đầu cho chuỗi hoạt động kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2024) là Hội báo toàn quốc năm 2024 lần đầu tiên được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh – thành phố mang tên Bác. Với hơn 100 gian trưng bày của các cơ quan báo chí trên cả nước, Hội báo toàn quốc năm 2024 đã kể trọn vẹn câu chuyện 99 năm báo chí cách mạng Việt Nam, với những cống hiến và hy sinh, lao động và sáng tạo của các thế hệ người làm báo.
Tại Hội Báo toàn quốc năm 2024, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã khẳng định, 99 năm là truyền thống vẻ vang, là dấu ấn tự hào của báo chí cách mạng Việt Nam. Chúng ta có một nền báo chí cách mạng với mục tiêu cao quý nhất, sứ mệnh thiêng liêng nhất là phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; là cầu nối giữa Đảng với các tầng lớp Nhân dân; là nơi để Nhân dân gửi gắm tình cảm, niềm tin yêu, sự tin tưởng với Đảng, Nhà nước.
“Thế hệ nhà báo cha anh là niềm tự hào, là tấm gương sáng để các nhà báo - hội viên hôm nay soi mình, sửa mình, rèn đức, luyện tài để làm báo cho đúng, cho hay, để tận tâm, tận lực cống hiến, xứng đáng với truyền thống của các thế hệ cha anh trong một thế kỷ qua”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Nhìn lại lịch sử 99 năm nền báo chí cách mạng Việt Nam để thấy, bên cạnh vai trò là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước thì báo chí là người bạn đồng hành của mọi tầng lớp Nhân dân; của mọi ngành, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Báo chí là nhân tố quan trọng để thúc đẩy hình thành một thế hệ con người Việt Nam mới - với sự kết hợp giữa tri thức tiên tiến trên nền tảng tinh hoa truyền thống.
Vai trò kết nối tri thức của báo chí được thể hiện rõ trong lĩnh vực “tam nông”, nhất là với người nông dân - lực lượng sản xuất đông đảo nhưng đang gặp nhiều rào cản trong việc tiếp cận nền sản xuất tiên tiến do đại đa số lao động chưa qua đào tạo. Số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, hết quý I/2024, có 13,8 triệu lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; tuy nhiên có đến hơn 45% lao động chưa đáp ứng yêu cầu của việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới vào sản xuất.
Báo chí luôn đồng hành với người nông dân. (Ảnh minh họa). |
Theo Ths. Lê Thị Thu Hiền, giảng viên bộ môn Báo chí – Khoa Sư phạm Ngữ văn (Trường Đại học Vinh), trong điều kiện chất lượng nguồn nhân lực của ngành Nông nghiệp còn thấp, báo chí đã kịp thời chuyển tải những thông tin mới nhất về khoa học, kỹ thuật trong nông nghiệp, giúp nông dân bắt kịp thời đại. Báo chí đã nhanh chóng cung cấp thông tin về các mô hình, công nghệ, kỹ thuật tiên tiến cho cộng đồng nông nghiệp.
“Bằng sự nhanh nhạy trong truyền tải và độ phủ sóng rộng khắp, báo chí đã tích cực lan tỏa tri thức mới, công nghệ tiên tiến để giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nông dân bền vững và hiệu quả hơn”, bà Hiền cho biết.
Báo chí là “kênh” kết nối nâng cao giá trị nông sản Việt Nam. (Trong ảnh: Tại hội báo toàn quốc năm 2024 có sự tham gia đặc biệt của các gian hàng đặc sản vùng miền đến từ 50 tỉnh, thành; mở rộng thêm cơ hội quảng bá thương hiệu, những sản phẩm OCOP trên khắp cả nước thông qua sự hỗ trợ truyền thông của các cơ quan báo chí) |
Không chỉ là cầu nối quan trọng đưa khoa học – kỹ thuật đến với nông dân mà báo chí còn là “kênh” kết nối nâng cao giá trị nông sản Việt Nam. Bằng những thông tin xác thực và kịp thời, báo chí đã tạo ra dư luận xã hội và định vị sản phẩm trong lòng công chúng, góp phần quảng bá rộng khắp nông sản các vùng miền, cả trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển đổi số, báo chí nước ta đã luôn thể hiện vai trò cầu nối thông tin giữa Nhà nước và nông dân, kịp thời lan tỏa những chủ trương, chính sách về nông nghiệp của Đảng và Nhà nước, giúp bà con nhận thức và đồng thuận triển khai. Báo chí cũng tìm kiếm và tôn vinh, cổ vũ các tiến bộ, thành công trong nông nghiệp; phản ánh những vướng mắc, tâm tư nguyện vọng của người nông dân. Chính sự đa chiều trong thông tin báo chí giúp cho các chính sách nông nghiệp có thể được điều chỉnh kịp thời, phù hợp với bối cảnh mới và từng địa phương, giúp cho các cán bộ quản lý và các nhà nghiên cứu có cái nhìn toàn cảnh về ngành trong định hình chiến lược phát triển bền vững.n