![]() |
Ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh chủ động tiêm phòng vắc xin các loại, góp phần nâng cao miễn dịch chủ động cho đàn vật nuôi. Ảnh minh họa. |
Để chủ động phòng, chống, kiểm soát bệnh cúm trên gia cầm và bệnh tụ huyết trùng ở trâu, bò nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan chuyên môn tập trung mọi nguồn lực để tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT và của UBND tỉnh.
Tiếp đến, thành lập các Đoàn kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh Cúm gia cầm, bệnh Tụ huyết trùng ở trâu, bò; công tác xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh tại các xã, phường, thị trấn. Chỉ đạo UBND cấp xã thường xuyên rà soát, thống kê tổng đàn gia cầm và đàn trâu, bò. Tổ chức tiêm phòng bổ sung triệt để vắc xin phòng bệnh Cúm gia cầm, vắc xin Tụ huyết trùng cho đàn trâu, bò tại các khu vực có nguy cơ cao, nơi bị ảnh hưởng do rét đậm, rét hại...bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng tối thiểu 80% tổng đàn trâu, bò.
Bên cạnh đó, tăng cường cán bộ theo dõi, giám sát dịch bệnh trên đàn gia cầm và đàn trâu, bò, đặc biệt lưu ý những nơi có ổ dịch cũ, có nguy cơ lây nhiễm cao, phát hiện sớm các ổ dịch và xử lý kịp thời, không để lây lan diện rộng; xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ gia cầm mắc bệnh, vứt xác gia cầm ra môi trường dẫn đến lây lan dịch bệnh. Chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp có tiền sử tiếp xúc với gia cầm, sản phẩm gia cầm để cách ly, điều trị và quản lý kịp thời, tránh lây nhiễm cho cộng đồng.
Ngoài ra, thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Tăng cường kiểm tra việc đảm bảo an toàn thực phẩm, nhất là tại các cơ sở chế biến, tiêu thụ và vận chuyển gia cầm. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp về nguy cơ, tác hại và các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm, bệnh tụ huyết trùng ở trâu, bò như: tiêm phòng, vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, chăn nuôi an toàn sinh học.
Đối với Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bắc Ninh cần thường xuyên theo dõi, nắm bắt đặc điểm dịch tễ của bệnh Cúm gia cầm và bệnh Tụ huyết trùng ở trâu, bò để tham mưu các giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả. Chuẩn bị đầy đủ vắc xin, vật tư, hóa chất để tiêm phòng bổ sung và vệ sinh phòng dịch. Đẩy mạnh công tác kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Hiện nay, toàn tỉnh Bắc Ninh có khoảng 728 trang trại theo quy định của Luật Chăn nuôi, trong đó 89 trang trại ứng dụng công nghệ cao (trong đó có 2 cơ sở tự động hóa toàn bộ quá trình sản xuất, 5 cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đàn giống). 17 cơ sở chăn nuôi được cấp Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh (12 cơ sở chăn nuôi lợn và 5 cơ sở chăn nuôi gia cầm). Ngoài ra, có 56 cơ sở chăn nuôi liên kết theo chuỗi, trong đó có 15 trang trại chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp như: Công ty CP Tập đoàn DABACO Việt Nam, Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam, Công ty TNHH CJ Agri Việt Nam,... và 9 Hợp tác xã và câu lạc bộ chăn nuôi, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.
Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm tại các trang trại chăn nuôi chuyên nghiệp, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường. Đồng thời, tăng cường ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất (con giống, thức ăn, thuốc phòng trị bệnh, chất xử lý môi trường), nâng tổng số trang trại ứng dụng công nghệ cao toàn tỉnh là 132 trang trại, hình thành 62 chuỗi liên kết sản xuất. Qua đó, khống chế có hiệu quả các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, viêm da nổi cục, dại ...