![]() |
Một gốc của vuông nuôi tôm chứng nhận. |
Nuôi tôm sinh thái trong rừng ngập mặn: một mô hình “xanh”
Tại các huyện ven biển như Ngọc Hiển và Năm Căn (tỉnh Cà Mau), người dân được giao khoán đất rừng với diện tích trung bình từ 5 - 10 ha mỗi hộ. Khoảng 60–70% diện tích được giữ nguyên trạng để bảo vệ và phục hồi rừng ngập mặn, phần còn lại được sử dụng cho nuôi tôm quảng canh cải tiến. Mô hình này không chỉ phù hợp với điều kiện tự nhiên, mà còn đáp ứng yêu cầu khắt khe từ các tiêu chuẩn quốc tế như EU Organic, ASC, BAP, Mangrove Shrimp hay Selva Shrimp. Theo đó, người nuôi tuyệt đối không sử dụng hóa chất, duy trì chất lượng nước ổn định, bảo tồn đa dạng sinh học và không làm ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái rừng. Công ty TNHH Xã hội Tôm Chứng Nhận Minh Phú là một trong những đơn vị tiên phong trong việc tổ chức, hỗ trợ và phát triển mô hình nuôi tôm sinh thái này. Với sự đồng hành của các tổ chức quốc tế như MCD, WWF, IUCN và chính quyền địa phương, công ty đã giúp hàng ngàn hộ dân tiếp cận quy trình nuôi đạt chuẩn, từng bước xây dựng thương hiệu tôm sinh thái Cà Mau.
Tính đến năm 2025, toàn tỉnh có khoảng 20.000 ha diện tích nuôi tôm rừng đạt chứng nhận quốc tế. Riêng Công ty Tôm Chứng Nhận Minh Phú đang quản lý vùng nuôi lớn nhất – gần 11.500 ha – với hơn 2.370 hộ dân tham gia tại Ngọc Hiển. Một dấu mốc đáng nhớ là vào ngày 21/11/2024, công ty phối hợp với UBND xã Tân Ân Tây tổ chức hội nghị công bố chứng nhận ASC Group cho 1.860 ha tôm rừng của 375 hộ dân. Đây là vùng nuôi tôm rừng đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam – cũng như trên thế giới – đạt chứng nhận danh giá này.
![]() |
Nông dân Cà Mau thu hoạch tôm rừng đạt chứng nhận. |
Giá trị gia tăng từ chuỗi liên kết “xanh”
Không dừng lại ở sản xuất, công ty còn trực tiếp thu mua tôm từ các hộ dân với giá cao hơn khoảng 3.000 đồng/kg so với giá thị trường. Ngoài ra, mỗi hộ còn được hỗ trợ thêm 500.000 đồng nhờ đóng góp vào hệ giá trị sinh thái và bảo vệ môi trường.
Tôm sau khi thu mua được chuyển đến các nhà máy chế biến của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú – một trong những doanh nghiệp xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới, với công suất hơn 250.000 tấn/năm. Tại đây, tôm rừng được xử lý, bảo quản theo tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài sản phẩm tôm tươi đông lạnh, doanh nghiệp còn phát triển thêm các dòng sản phẩm giá trị gia tăng như tôm hữu cơ đóng gói, tôm khô sinh thái... góp phần nâng cao giá trị toàn chuỗi cung ứng.
![]() |
Nông dân thăm vuông nuôi tôm đạt chứng nhận. |
Tôm rừng Cà Mau: Vươn ra thị trường toàn cầu
Nhờ chiến lược phát triển gắn với bảo vệ rừng và tuân thủ các chứng nhận quốc tế, tôm rừng Cà Mau ngày càng khẳng định vị thế trên bản đồ xuất khẩu nông sản Việt Nam. Sản phẩm này đã có mặt tại hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, chinh phục cả những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản và Canada.
Tổng giá trị xuất khẩu tôm của tỉnh Cà Mau mỗi năm đều vượt mốc 1 tỷ USD, trong đó tôm sinh thái chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Công ty và các đối tác cũng đang xây dựng thương hiệu “Tôm Cà Mau” gắn với các chứng nhận quốc tế uy tín, đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh và bền vững toàn cầu.