Hàng loạt các cây Vải bị chết do cơn bão số 3. |
Sau bão, trên địa bàn phường Phương Nam lượng cây trồng bị thiệt hại nhiều, riêng cây Vải có tổng số 53.000/140.000 cây Vải chín sớm bị chết, nguyên nhân do bong gốc, bộ rễ bị hư tổn khiến cây không hút được dinh dưỡng.
TIến hành kiểm tra, đánh giá tình hình, các phòng chuyên môn và Hội Nông dân phường Phương Nam hướng dẫn các hộ trồng Vải các biện pháp xử lý. Trong đó, với các cây nghiêng đổ, người trồng bổ sung đất vào phần bong rễ, cắt tỉa bớt cành, bón phân cho cây, hạn chế việc nâng dựng cây tránh bị tổn thương phần rễ còn lại; đối với cây từ 1-3 năm tuổi đã chết tiến hành bỏ và trồng cây mới.
UBND Phường Phương Nam nỗ lực tuyên truyền các hộ dân trồng lúa cần chủ động khơi thông dòng chảy, kiểm tra các bờ kênh, mương, đảm bảo tiêu nước nhanh gọn. Xử lý các chất thải (bùn đất, rong rêu...) bám trên lá lúa để đảm bảo cây lúa quang hợp tốt nhất, sinh trưởng phát triển phục hồi hiệu quả nhất.
Đối với các diện tích lúa đã trổ đến chắc xanh bị đổ ngã: Tiến hành dựng lúa bằng cách túm 3-4 gốc lúa lại với nhau bằng dây mềm (dây chuối, dây rơm, nilon) thành hình chân kiềng để tạo thế đứng vững cho cây lúa vào chắc và chín, tránh tình trạng ngập úng sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của lúa, thậm chí gây thối và chết lúa.
Những diện tích lúa giai đoạn cuối đẻ nhánh làm đòng- chuẩn bị trổ, đang trổ bông: Tiến hành dựng lúa nếu bị đổ rạp. Sau khi thời tiết tạnh ráo tiến hành phun bổ sung phân bón lá siêu kali theo khuyến cáo của nhà sản xuất để tăng khả năng chống đổ, giúp cây nhanh chóng phục hồi và thúc đẩy lúa trỗ thoát. Ngừng bón phân đạm và không bón phân lai rai nhằm hạn chế sâu bệnh hại và đổ ngã cuối vụ.
Đặc biệt với diện tích lúa bị ngập úng nặng không có khả năng cho thu hoạch, cần tập trung tiêu thoát nước. Khuyến cáo chuyển đổi sang gieo trồng cây rau màu, cây hàng năm khác có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương.
Các cây vải đã chết khô sau bão. |
Đối với cây rau màu tăng cường thực hiện khơi thông dòng chảy, nạo vét mương máng, rãnh thoát nước trên ruộng không để nước ngập lâu trong ruộng gây thối cây, thối rễ dẫn đến chết cây.
Sau khi nước rút, thu dọn tất cả các cây bị dập nát, bị héo không có khả năng hồi phục. Sau đó có thể hòa loãng 0,2 kg lân Supe với 10 lít nước để tưới gốc, kích thích bộ rễ pháttriển, đồng thời phun các chế phẩm sinh học như KH,PennacP, Siêu lân...(lưu ý không tưới sát gốc và để phân dính lên lá) để giúp cây nhanh hồi phục.
Đồng thời, người dân chuẩn bị đủ lượng và chủng loại hạt giống để sẵn sàng gieo trồng lại diện tích bị thiệt hại do mưa bão gây ra, chỉ tiến hành gieo trồng khi thời tiết thuận lợi đảm bảo cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt.
Ngoài ra, UBND phường Phương Nam đề nghị các khu dân cư tập trung tuyên truyền, hướng dẫn trên hệ thống loa truyền thanh của khu dân cư, để nhân dân chủ động các biện pháp kỹ thuật trong việc chăm sóc cây cối, hoa màu bị ảnh hưởng sau bão số 3./.