![]() |
Thủ tướng cho rằng, hàng hóa của Việt Nam không cạnh tranh với Hoa Kỳ, quan hệ thương mại hai bên từ trước đến nay cuối cùng là có lợi cho người tiêu dùng Hoa Kỳ và thúc đẩy động lực xuất khẩu của Việt Nam. (Ảnh Cổng Thông tin điện tử Chính phủ) |
Đây là phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan về chuẩn bị đàm phán, thúc đẩy quan hệ thương mại cân bằng, ổn định, bền vững với Hoa Kỳ, ngày 22/4.
Đây là lần thứ 5 Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp riêng về nội dung triển khai các kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm về thích ứng với chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ và thúc đẩy quan hệ thương mại cân bằng, bền vững với Hoa Kỳ.
Sau khi các Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành báo cáo, thảo luận, đánh giá tình hình và đề xuất các giải pháp tiếp theo, kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, từ khi thương mại toàn cầu có diễn biến mới, Hoa Kỳ đưa ra chính sách thuế quan đối ứng, Việt Nam đã có đối sách, thích ứng kịp thời, linh hoạt, phù hợp và có kết quả nhất định; thể hiện sự bình tĩnh, chủ động, bản lĩnh trước diễn biến tình hình, được phía Hoa Kỳ đánh giá là tích cực.
Trong đó, trên cơ sở quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ, Tổng Bí thư Tô Lâm đã điện đàm với Tổng thống Trump; cử Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc làm Đặc phái viên của Tổng Bí thư và cử Bộ trưởng Bộ Công Thương là Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đàm phán, trao đổi với phía Hoa Kỳ. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng gặp Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, các chính trị gia, các nhà khoa học có ảnh hưởng và các doanh nghiệp Hoa Kỳ để trao đổi, lắng nghe, phân tích tình hình.
Việt Nam đã chủ động ban hành nghị định của Chính phủ cắt giảm các dòng thuế có thể cắt giảm được đối với Hoa Kỳ; giải quyết vướng mắc tại một số dự án và các vấn đề mà phía Hoa Kỳ quan tâm trong khuôn khổ pháp luật và theo thỏa thuận giữa Việt Nam với Hoa Kỳ; tăng cường mua các mặt hàng mà Việt Nam có nhu cầu, Hoa Kỳ có thế mạnh như tàu bay... để cân bằng thương mại hai bên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần tiếp tục đàm phán thúc đẩy quan hệ thương mại cân bằng, ổn định, bền vững, hiệu quả với Hoa Kỳ; tinh thần là phải bình tĩnh, sáng suốt, kiên định; tăng cường đối thoại, tránh căng thẳng; tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng; hài hòa lợi ích, vì lợi ích của mỗi nước, có lợi cho các doanh nghiệp và cho người tiêu dùng hai bên; đặc biệt phải giữ lợi ích cốt lõi của Việt Nam, phù hợp với đường lối đối ngoại của Đảng, nhất là Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
Thủ tướng cho rằng, hàng hóa của Việt Nam không cạnh tranh với Hoa Kỳ, quan hệ thương mại hai bên từ trước đến nay cuối cùng là có lợi cho người tiêu dùng Hoa Kỳ và thúc đẩy động lực xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, Việt Nam sẵn sàng đàm phán theo các đề nghị của Hoa Kỳ.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, đặc biệt là Đoàn đàm phán chuẩn bị tốt các nội dung để đàm phán với phía Hoa Kỳ, trên nguyên tắc bám sát các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm thúc đẩy thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ cân bằng, bền vững; không làm phức tạp vấn đề; không ảnh hưởng đến các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia; không vì việc này mà ảnh hưởng đến việc khác; không vì thị trường này mà ảnh hưởng tới thị trường khác; có giải pháp hợp lý để hai bên cùng có lợi, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Cho rằng tình hình thương mại thế giới hiện nay, bên cạnh các thách thức, cũng có cơ hội để Việt Nam tái cấu trúc lại động lực xuất khẩu, tái cấu trúc doanh nghiệp, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng; tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, đi vào các sản phẩm công nghệ cao, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ... dựa vào khoa học, công nghệ, chuyển đổi số theo xu thế của thế giới.
Trước đó, tối 4/4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald J. Trump về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá cao cuộc trao đổi, trong đó hai nhà lãnh đạo khẳng định mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác song phương, vì lợi ích hai nước và đóng góp cho hoà bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Hai nhà lãnh đạo cùng đánh giá quan hệ hai nước đang phát triển tốt đẹp trên các lĩnh vực. Về quan hệ thương mại song phương, hai nhà lãnh đạo cùng trao đổi các biện pháp để tiếp tục thúc đẩy việc giao thương, trong đó Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Hoa Kỳ để đưa mức thuế nhập khẩu về 0% đối với hàng hoá nhập khẩu từ Hoa Kỳ đồng thời đề nghị Hoa Kỳ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hoá nhập khẩu từ Việt Nam, tiếp tục nhập khẩu nhiều hàng hoá từ Hoa Kỳ mà Việt Nam có nhu cầu và khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các công ty từ Hoa Kỳ tăng cường đầu tư hơn nữa vào Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo khẳng định sẽ cùng trao đổi để sớm ký một thoả thuận song phương giữa hai nước để cụ thể hoá những cam kết trên. |
![]() |
Ảnh minh họa. |
Nhiều năm trở lại đây Mỹ là một trong những đối tác thương mại lớn của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực nông sản. Các mặt hàng như cà phê, hạt tiêu, thủy sản, gạo, và rau quả đều có một phần đáng kể xuất khẩu sang thị trường này. Trong những năm qua, Mỹ đã trở thành thị trường tiêu thụ quan trọng, không chỉ vì quy mô thị trường lớn mà còn vì người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng các sản phẩm nông sản chất lượng từ Việt Nam.
Tuy nhiên, khi Mỹ áp thuế cao đối với một số mặt hàng nông sản Việt Nam, điều này sẽ tạo ra những cú sốc lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu và người dân trong nước. Việc này không chỉ tác động đến các doanh nghiệp lớn mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến những nông dân và hộ sản xuất nhỏ lẻ.
Để giảm thiểu tác động tiêu cực, ngành chức năng và các doanh nghiệp cần thực hiện một số biện pháp:
Tăng cường nghiên cứu và phát triển (R&D): Đầu tư vào nghiên cứu để cải thiện chất lượng nông sản, tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Mở rộng thị trường xuất khẩu: Tìm kiếm và mở rộng thị trường mới để không phụ thuộc vào một thị trường duy nhất như Mỹ. Các thị trường tại châu Âu, châu Á và các nước đang phát triển có thể là cơ hội tốt.
Thông tin Mỹ áp thuế hàng hóa Việt Nam được Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cập nhật ngay tại hội nghị phòng chống dịch bệnh và phát triển chăn nuôi lợn, diễn ra sáng 3.4, tại Hà Nội.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói "có bất ngờ, choáng váng" khi nhận được thông tin Mỹ áp thuế đối ứng 46% hàng hóa của Việt Nam. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2024 đạt trên 62 tỉ USD. Trong đó, thị trường Mỹ đạt 13,8 tỉ USD, là thị trường xuất khẩu lớn nhất. Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai, đạt 13,6 tỉ USD.
Trong cơ cấu xuất khẩu hiện nay, hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam có lợi thế vào Mỹ nhưng cũng đối mặt với rất nhiều rào cản, đó là thuế chống bán phá giá nhưng chúng ta đều vượt qua được.
"Mỹ áp thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa Việt Nam thì nông sản sản sẽ chịu sự ảnh hưởng, tuy nhiên phải "dĩ bất biến ứng vạn biến", chúng ta sẽ tập trung cho chỉ đạo sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành để cạnh tranh với thị trường khác", ông Tiến nói.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Mỹ đang là thị trường xuất khẩu trọng điểm của nhiều sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Năm 2024, Mỹ tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ 16,2 tỉ USD, chiếm 55,5% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam. 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gỗ đạt 2,45 tỉ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó sản phẩm gỗ đạt 1,65 tỉ USD, tăng 9,1%.
Mỹ cũng là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn của Việt Nam, đạt 10,07 tỉ USD, chiếm 18,5% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2024.
![]() Tối 5/4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nhằm trao đổi về quan hệ ... |
![]() Trong bức thư được gửi đi ngày 5/4/2025, lãnh đạo của hai tổ chức VCCI và AmCham bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tuyên ... |
![]() Trong bối cảnh các doanh nghiệp và ngành nông sản Việt Nam đang đối mặt với thách thức lớn từ chính sách thuế của Hoa ... |