![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao nỗ lực của Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan trong lần đầu tiên xây dựng và thực hiện công bố FTA Index. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. |
Đây là thông điệp được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị công bố Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA Index) của các địa phương năm 2024 vào chiều 8/4/2025.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, đến đầu năm 2025, thế giới có khoảng 328 FTA có hiệu lực, tăng mạnh so với 98 FTA vào năm 2000. Đến nay, Việt Nam đã ký kết và thực thi 17 FTA với nhiều đối tác lớn trên thế giới, trong đó có các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA.
Bộ chỉ số FTA Index 2024 được xây dựng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và là kết quả nỗ lực phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Bộ Công Thương với các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp với mục đích nâng cao hơn nữa hiệu quả thực thi các FTA của Việt Nam, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu về tăng trưởng kinh tế, đầu tư và thương mại của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
Nội dung khảo sát tập trung vào bốn khía cạnh chính: Mức độ tiếp cận thông tin về FTA của doanh nghiệp; tình hình tuân thủ các quy định pháp luật nội luật hóa từ cam kết FTA; hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA; và việc triển khai các cam kết phát triển bền vững tại địa phương, đồng thời ghi nhận các khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá đây là một công cụ mới, mang tính định lượng và hệ thống, dựa trên khảo sát thực tế doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, hướng đến việc cung cấp cơ sở dữ liệu minh bạch và khách quan cho Chính phủ, các cơ quan Trung ương và địa phương trong chỉ đạo, giám sát, điều hành công tác hội nhập; đồng thời là căn cứ để hoạch định chính sách, chiến lược phát triển phù hợp với điều kiện và tiềm năng từng địa phương, góp phần thúc đẩy động lực tăng trưởng truyền thống là xuất khẩu và hướng tới xuất khẩu bền vững.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thực hiện công cuộc Đổi mới trong gần 40 năm qua, bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường, củng cố quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội, Việt Nam luôn kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Mới đây nhất, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 59/NQ-TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới, với nhiều điểm mới, thể hiện tinh thần đột phá; trong đó xác định hội nhập quốc tế là "hình thức, trình độ phát triển cao của hợp tác quốc tế", là động lực quan trọng giữ vững cục diện hòa bình, ổn định, tranh thủ điều kiện, nguồn lực bên ngoài cho phát triển và nâng cao vai trò, vị thế của quốc gia, thể hiện trách nhiệm, đóng góp của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam xác định nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; vươn lên mạnh mẽ với tinh thần tự lực, tự cường, tự chủ, tự tin, tự hào dân tộc; đi lên từ bàn tay khối óc, từ khung trời, cửa biển và mảnh đất của mình, bằng giá trị cốt lõi của con người Việt Nam, bằng truyền thống văn hóa – lịch sử, ngàn năm văn hiến, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không chủ quan, lơ là và cũng không bi quan, lo sợ trong bất cứ hoàn cảnh nào, bởi vì những khó khăn hiện nay vẫn chưa bằng những khó khăn mà Việt Nam từng đối mặt trước đây và càng khó khăn, thách thức, áp lực càng phải nỗ lực, phấn đấu vươn lên.
Trong hội nhập phải vừa hợp tác, vừa đấu tranh, đồng thời tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, thích ứng linh hoạt, phù hợp, kịp thời, hiệu quả với tình hình, với những mặt trái của hội nhập.
"Hội nhập không chỉ có thảm đỏ và hoa hồng, hội nhập có rất nhiều khó khăn, rất nhiều chông gai, phải nỗ lực bắt kịp, tiến cùng và vượt lên thì mới có thể hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả, đồng thời giữ vững độc lập, tự chủ.
Chúng ta tôn trọng độc lập, chủ quyền của các nước, không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của các đối tác. Chúng ta cảm ơn, quý trọng sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, hoan nghênh tất cả các đối tác đến với chúng ta bằng thiện chí, hợp tác để cùng thắng, mang lại hạnh phúc ấm no cho nhân dân của hai bên, nhưng không chấp nhận hội nhập bằng mọi cách, không ỷ lại, không phụ thuộc vào bất cứ một đối tác nào.
Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn đề cao tinh thần lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ. Chúng ta không bỏ qua bất cứ sự giúp đỡ nào, cũng không lợi dụng và không làm tổn thương ai; tránh đối đầu, đẩy mạnh đối thoại", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, văn minh và thịnh vượng của dân tộc, sánh vai cùng các cường quốc năm châu, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Trong quá trình đó, Việt Nam tiếp tục phát huy đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương, rất coi trọng hợp tác, hội nhập quốc tế.
![]() EVFTA không chỉ thúc đẩy thương mại Việt Nam - EU mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế bền và nâng cao ... |
![]() Năm 2024, ngành rau quả Việt Nam tiếp tục gặt hái thành công với giá trị xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng, đạt trên 7,2 ... |
![]() Ngành thủy sản Việt Nam, với tiềm năng lớn và lợi thế từ các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) thế hệ mới, đang ... |