Công ty CP Phát triển nông nghiệp GFS Việt Nam thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn GFS - Ảnh chụp màn hình. |
Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Kết luận thanh tra số 2386/KL-TTCP về công tác quản lý, sử dụng đất đai theo tinh thần Nghị quyết số 73/NQ-CP và số 116/NQ-CP của Chính phủ; công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng thành phố Hải Phòng.
Kết quả kiểm tra, xác minh, giai đoạn 2011-2023, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hải Phòng đã tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành, quận, huyện tập trung hoàn thiện các thủ tục về đất đai, quy hoạch xây dựng, triển khai thực hiện Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 23/9/2019 và Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 6/12/2019 của Chính phủ. Kịp thời giải quyết một số khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án, công trình trọng điểm về đô thị, kết cấu hạ tầng, các khu công nghiệp trên địa bàn, qua đó đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư, chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị, tạo động lực đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.
Theo kết luận thanh tra, qua kiểm tra thấy còn một số hạn chế, thiếu sót, tại Dự án đầu tư xây dựng nhà máy phân bón NPK xã Kiền Bái, huyện Thủy Nguyên, do Công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp GFS Việt Nam làm chủ đầu tư, cụ thể:
Các công trình xây dựng đều không có giấy phép xây dựng kèm theo hồ sơ thiết kế cấp phép được thẩm định; không lưu trữ đầy đủ hồ sơ. Ngày 14/12/2016, Thanh tra Sở Xây dựng Hải Phòng đã có Quyết định số 186/QĐ- XPVPHC xử phạt hành vi vi phạm không lưu trữ đầy đủ hồ sơ chất lượng công trình xây dựng theo quy định với số tiền phạt là 7,5 triệu đồng.
Dự án chậm tiến độ, không đạt mục tiêu, hiện đã tạm dừng hoạt động: theo Báo cáo số 10/BC-NNVN ngày 06/3/2024 thì công ty mới đầu tư dây chuyền và chạy thử với tổng chi phí là 14.163,660 triệu đồng (đạt 3,55% tổng mức đầu tư); từ năm 2017 đến nay, Dự án dừng hoạt động, không triển khai tiếp (chậm 07 năm theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mã số dự án số 5881022770 do Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng cấp).
Ngày 06/11/2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng đã kiểm tra và ra Quyết định số 183/QĐ-XPVPHC ngày 06/11/2023 xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Phát triển nông nghiệp GFS Việt Nam với số tiền 85 triệu đồng vì hành vi chưa thực hiện đúng tiến độ dự án.
Trong quá trình triển khai Dự án từ năm 2016 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường chưa thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất của Công ty GFS Việt Nam nên không có kiến nghị UBND Thành phố có biện pháp xử lý theo quy định của Luật Đất đai.
Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị đối với các dự án đầu tư chậm tiến độ: Xem xét, xử lý việc chậm tiến độ theo quy định pháp luật đối với việc đầu tư các dự án có nguyên nhân khách quan để gia hạn tiến độ đầu tư, đôn đốc nhà đầu tư thực hiện dự án; Kiểm tra, rà soát việc chậm tiến độ đầu tư xây dựng đối với Dự án đầu tư xây dựng nhà máy phân bón NPK xã Kiền Bái, huyện Thủy Nguyên, đánh giá nguyên nhân và có biện pháp xử lý nghiêm việc chậm tiến độ theo quy định của pháp luật về đầu tư và đất đai.
Dự án đầu tư xây dựng nhà máy phân bón NPK tại xã Kiền Bái, huyện Thủy Nguyên do Công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp GFS Việt Nam làm chủ đầu tư đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư số 5881022770 ngày 30/3/2016. Mục tiêu của dự án: Đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất phân bón NPK đáp ứng nhu cầu phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp với công suất 360.000 tấn/năm; Tiến độ thực hiện dự án: Giai đoạn 1: Thời gian hoàn thiện xây dựng và vận hành chạy thử: từ tháng 3/2016 đến tháng 4/2016, chính thức di vào hoạt động: tháng 5/2016. Giai đoạn 2: Dự kiến triển khai từ 2017.
Quy mô dự án: Tổng mức đầu tư: 398.818,128 triệu đồng, Diện tích dự kiến sử dụng: 88.880 m²: Giai đoạn 1: Đầu tư một dây chuyền sản xuất phân bón NPK (dạng viên nén) công suất 75.000 tấn/năm; giai đoạn 2: Dự kiến triển khai từ năm 2017, tiếp tục đầu tư các hạng mục công trình còn lại theo quy hoạch đã được duyệt để nâng công suất nhà máy lên 360.000 tấn/năm.
Ngày 04/10/2016, UBND thành phố Hải Phòng có Quyết định số 2169/QĐ- UBND về việc cho phép Công ty cổ phần GFS Việt Nam thuê đất để xây dựng nhà máy sản xuất phân bón NPK tại xã Kiền Bái, xã Hoàng Động, huyện Thủy Nguyên. Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CG 780645 ngày 19/01/2017 và ký Hợp đồng thuê đất số 14/HĐ-TĐ ngày 19/01/2017 cho Công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp GFS Việt Nam, hình thức thuê đất trả tiền hàng năm.
Ngày 13/01/2017, UBND huyện Thủy Nguyên đã có Quyết định số 379/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Dự án xây dựng nhà máy sản xuất phân bón NPK tại xã Kiền Bái, xã Hoàng Động, huyện Thủy Nguyên. Dự án phù hợp với Điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1448/QĐ-TTg ngày 16/9/2009. Vị trí thực hiện Dự án phù hợp với quy hoạch sử dụng đất huyện Thủy Nguyên thời kỳ 2011-2020 được UBND thành phố Hải Phòng phê duyệt tại Quyết định số 1165/QĐ- UBND ngày 10/6/2014.
Theo Thanh tra Chính phủ, đến thời điểm thanh tra, Công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp Việt Nam GFS đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về tiền thuê đất đến hết năm 2023.
Hệ sinh thái GFS có gì? Theo tìm hiểu, Công ty CP Phát triển nông nghiệp GFS Việt Nam (công ty con Tập đoàn GFS) có trụ sở tại Số 508 Đường Trường Chinh, Phường Ngã Tư Sở, Quận Đống đa, Hà Nội. Đại diện theo pháp luật của Công ty nêu trên là Nguyễn Hồng Hạnh. Tập đoàn GFS thành lập năm 1997 tiền thân là đơn vị thành viên của Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 8 (Cienco 8). Khi tiến hành cổ phần hóa năm 2005, doanh nghiệp lấy tên là Công ty cổ phần Quan hệ Quốc tế - Đầu tư Sản xuất (Công ty Ciri). Đầu những năm 2000, Công ty Ciri tập trung phát triển lĩnh vực lắp ráp, sản xuất xe máy. Từ những năm 2014, khi thị trường bất động sản sôi động, Công ty Ciri nắm bắt thời cơ đầu tư vào một số dự án. Từ đó, Ciri được biết đến rộng rãi với tên gọi Tập đoàn GFS, nhà đầu tư bất động sản đáng chú ý tại Hà Nội. Cùng với đó, GFS xây dựng trở thành tập đoàn kinh tế đa ngành với 05 lĩnh vực đầu tư chính: Bất động sản - Xây dựng, Khoa học - Công nghệ, Công nghiệp, Nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao, Đào tạo, Phát triển nhân lực. Chủ tịch HĐQT của Ciri là ông Phạm Thành Công. Ông Công cũng đồng thời giữ chức danh lãnh đạo của nhiều đơn vị thành viên trong hệ sinh thái. |