Theo UBND xã Quảng Tâm, phần lớn diện tích rừng tại khu vực đường từ thác Đắk G’Lung đi xã Đắk Ngo do cộng đồng bon Bu Nơr AB quản lý, đây hầu như là diện tích rừng nghèo kiệt, rừng mới phục hồi, một số diện tích là rừng le, lồ ô nằm manh mún, không tập trung tiếp giáp với nương rẫy của người dân.
Một góc rừng bị phá, những cây gỗ nằm la liệt trên mặt đất |
Cùng với đó một phần diện tích rừng nằm giáp tuyến đường nhựa liên xã Quảng Tâm Đắk Ngo, thuận lợi cho việc đi lại, kinh doanh, giá trị đất đai lớn dẫn tới một số người dân, đối tượng bất chấp các quy định của pháp luật, dùng các thủ đoạn tinh vi để phá rừng, như: lợi dụng đêm khuya, trời mưa, dùng cưa điện để cưa 2/3 cây với diện tích nhỏ, thời điểm gió lớn làm cây tự đổ, gãy hoặc ken cây, đổ hóa chất để cây chết từ từ, gây rất nhiều khó khăn trong việc phát hiện, ngăn chặn, vây bắt.
Một số đối tượng rất manh động sẵn sàng chống trả khi bị phát hiện, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của lực lượng tham gia bảo vệ rừng dẫn tới tình trạng phá rừng, hủy hoại rừng, lấn chiếm đất rừng tại khu vực đường từ thác Đắk G’lung đi xã Đắk Ngo diễn ra phức tạp.
Những cây gỗ to bị chặt phá, để lại gốc trơ trọi |
Tình trạng phá rừng, hủy hoại rừng, lấn chiếm đất rừng tại khu vực đường từ thác Đắk G’lung đi xã Đắk Ngo diễn ra phức tạp |
Để ngăn chặn tình trạng phá rừng, hủy hoại rừng, lấn chiếm đất rừng tại khu vực đường từ thác Đắk G’lung đi xã Đắk Ngo, UBND xã Quảng Tâm thường xuyên chỉ đạo đôn đốc các lực lượng quản lý bảo vệ rừng, các đơn vị chủ rừng tổ chức thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR; thực hiện nghiêm túc các quyết định khắc phục hậu quả, tổ chức quản lý, bảo vệ và thực hiện các biện pháp khoanh nuôi phục hồi, phát triển rừng hoặc trồng lại rừng tại diện tích rừng bị phá trên. Kiên quyết không để các đối tượng dọn, đốt cây rừng, lấn, chiếm đất, trồng tỉa hoa màu và sử dụng diện tích rừng bị phá trên dưới mọi hình thức.
Đồng thời chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng cũng đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ rừng như: chốt chận, truy quét, cưỡng chế đối với toàn bộ diện tích bị lấn chiếm...
Hiện trường, một hộ dân lấn chiếm đất rừng sản xuất, xây dựng nhiều công trình tại thôn 5, xã Quảng Tâm từ năm 2023 nhưng đến nay chưa được xử lý dứt điểm |
Từ năm 2022 đến 6 tháng đầu năm 2024, UBND xã Quảng Tâm đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm liên huyện Tuy Đức-Đắk R'Lấp, Cộng đồng bọn Bu Nơr AB, Công ty CP Mắc Ca Nữ Hoàng phát hiện và lập hồ sơ chuyển cấp có thẩm quyền xử lý 18 vụ phá rừng trái pháp luật.
Cụ thể, năm 2022 phát hiện lập hồ sơ xử lý 13 vụ phá rừng tổng diện tích 6.929 m², xử lý hành chính 01 đối tượng 01 vụ; Năm 2023 phát hiện lập hồ sơ xử lý 04 vụ phá rừng tổng diện tích 1.588 m², xử lý hành chính 02 đổi tượng 02 vụ; Năm 2024 phát hiện lập hồ sơ xử lý 01 vụ phá rừng tổng diện tích 182 m²./.