Hộ dân chia sẻ với PV tạp chí điện tử Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam về việc ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Duy Mạnh |
Theo anh Lê Văn Thoại cho biết: Hiện gia đình anh đang nhận thầu đầm nuôi trồng thủy sản của HTX NN Liên Vị 1 trên địa bàn xã Tiền Phong là ô đầm 5 kênh Cái Tráp với diện tích khoảng 60 ha. Theo đó, mỗi năm gia đình anh nộp khoán cho HTX 1.355.000.000 đồng, trung bình trên 21.000.000 đồng/ha/1năm. Bước vào vụ sản xuất, nuôi thả, gia đình anh đã mua đưa vào ương nuôi trên 5 triệu con tôm sú giống với số tiền hơn 200 triệu tiền tôm giống, hơn 100 triệu tiền giống cua… Tuy nhiên do ô nhiễm môi trường nguồn nước nên gần đây cua, tôm, cá chết hàng loạt.
Nói về nguyên nhân tôm, cua, cá chết hàng loạt, kể khi việc san lấp mặt bằng trên diện tích đầm nuôi trồng thủy sản được triển khai, lượng nước thải từ khu san lấp không qua xử lý tràn ra ngoài chảy ra gây ô nhiễm cả dòng kênh Cái Tráp. Mỗi khi thủy triều lên dòng nước bị ô nhiễm chảy thẳng vào các ô đầm của các hộ nuôi trồng thủy sản, anh Thoại chia sẻ.
Trên diện tích đầm nhà anh Lê Văn Thoại cá, tôm, cua... chết nổi phềnh trên mặt nước |
Vị trí tàu bơm hút bùn được người dân xác định là của ông Phạm Văn Sự người Hải Phòng dùng để hút bùn, cát bơm lên san lấp đầm. Ảnh Duy Mạnh |
Chị Lê Thị Hòa là hộ nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng khoảng 33 ha chia sẻ thêm: “Đầm của gia đình tôi luôn phải lấy nước ra nước vào từ kênh Cái Tráp. Khoảng mấy tháng nay dòng nước từ kênh chảy vào ô nhiễm trầm trọng, tôm, cá... cứ nổi phềnh chết. Chúng tôi đã gửi đơn kiến nghị hai lần ra cơ quan chính quyền nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa có động thái giải quyết”.
Qua tìm hiểu của phóng viên, tại khu vực cửa sông Cái Tráp có tàu bơm hút bùn được người dân xác định là của ông Phạm Văn Sự dùng để hút bùn, cát bơm lên san lấp đầm. Thực trạng diện tích được hệ thống máy hút bùn mà doanh nghiệp hút chuyển lên bờ trên phạm vi khoảng gần 60 ha, khối lượng san lấp rất lớn lên đến cả hàng vạn mét khối. Do không có biện pháp xử lí, cát, bùn được hút lên bờ với diện tích và khối lượng lớn, nên nước thải rò rỉ gây ra mùi hôi nồng nặc, nước sủi bọt, quẩn đục cả dòng kênh.
Cống xả nước thải bùn chưa qua xử lý chảy trực tiếp ra kênh Cái Tráp. Ảnh Duy Mạnh |
Trao đổi với phóng viên Chủ tịch UBND xã Tiền Phong cho biết: Địa phương đã nhận được phản ánh một số chủ đầm về việc gần đây do ô nhiễm môi trường nước nên tôm, cua cá một số đầm bị chết. UBND xã đã cùng với các cán bộ địa phương xuống tại khu vực bị ô nhiễm kiểm tra. Tuy nhiên, do máy hút bùn và hệ thống đường dẫn bùn đất lên bờ thuộc địa phận của huyện Cát Hải, TP Hải phòng quản lí nên việc xử lí vượt quá thẩm quyền. Hiện tại UBND xã Tiền Phong đã gửi văn bản lên Thị xã Quảng Yên báo cáo tình trạng ô nhiễm, gây ảnh hưởng đến các hộ nuôi trồng thủy sản tại địa phương do việc bơm bùn san lấp mặt bằng.
Từ sự việc trên, đề nghị cơ quan chức năng của thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh cần nhanh chóng vào cuộc làm rõ thực trạng và sớm ngăn chặn hiện tượng bơm bùn, cát không qua xử lí gây ô nhiễm môi trường nước làm tôm, cá chết ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, thu nhập của các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.
Nghị định số 38/2024/NĐ-CP ngày 05/4/2024 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/5/2024 Điều 6. Vi phạm quy định về bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản 1. Phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường sống của loài thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự theo các mức phạt sau: a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng ngư lưới cụ, trang thiết bị, phương tiện cản trở hành lang di chuyển cho loài thủy sản khi khai thác thủy sản bằng nghề cố định ở sông, hồ, đầm, phá hoặc sử dụng ngư lưới cụ, trang thiết bị, phương tiện cản trở đường di cư tự nhiên của loài thủy sản; b) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng ngư lưới cụ, trang thiết bị, phương tiện hủy hoại nguồn lợi thủy sản hoặc hệ sinh thái thủy sinh hoặc khu vực thủy sản tập trung sinh sản hoặc khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống hoặc sử dụng ngư lưới cụ, trang thiết bị, phương tiện phá hoại nơi cư trú của loài thủy sản thuộc Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm hoặc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; c) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm hoặc gây hại khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản; d) Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi thăm dò, khai thác tài nguyên, xây dựng, phá bỏ công trình dưới mặt nước, lòng đất dưới nước làm suy giảm hoặc mất đi nguồn lợi thủy sản hoặc gây tổn hại đến môi trường sống, khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống, đường di cư của loài thủy sản; không tạo đường di cư hoặc dành hành lang di chuyển cho loài thủy sản khi xây dựng mới, thay đổi hoặc phá bỏ công trình hoặc có hoạt động liên quan đến đường di cư của loài thủy sản. 2. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này. 3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này. Điều 9. Vi phạm quy định về quản lý khu bảo tồn biển 1. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm tại vùng đệm của khu bảo tồn biển sau: a) Thả phao không đúng quy định; b) Điều tra, nghiên cứu khoa học khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; c) Phương tiện thủy hoạt động không đúng quy định; d) Tổ chức hoạt động dịch vụ, du lịch không đúng quy định; đ) Xây dựng công trình không phép hoặc không đúng quy định; e) Nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản không đúng quy định. 2. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong phân khu dịch vụ - hành chính của khu bảo tồn biển. 3. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm trong phân khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn biển sau: a) Hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều này; b) Hành vi bị cấm thực hiện trong phân khu phục hồi sinh thái. 4. Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt sau: a) Hành vi vi phạm quy định tại các điểm a và b khoản 1 Điều này; b) Hành vi bị cấm thực hiện trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt. 5. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc phá dỡ công trình xây dựng không đúng quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 1, khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều này; b) Buộc thả thủy sản còn sống trở lại môi trường sống của chúng đối với hành vi khai thác thủy sản không đúng quy định trong khu bảo tồn quy định tại điểm e khoản 1, khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều này; c) Buộc chuyển giao thủy sản thuộc Nhóm I Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm đã chết cho cơ quan có thẩm quyền đối với hành vi khai thác thủy sản không đúng quy định trong khu bảo tồn quy định tại điểm e khoản 1, khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều này. |