![]() |
Cây Đa ngàn tuổi, cây di sản ở Ba Vì. |
Thực ra thì Núi Tản là tên của vị thánh còn dân gian vẫn gọi là Ba Vì, một dãy núi nổi lên giữa vùng đồng bằng châu thổ và thềm đá gốc vùng trung du của Phú Thọ. Chếch lên phía Bắc một chút là núi Nghĩa Lĩnh, nơi có đền thờ Hùng Vương nổi tiếng. Ngay sườn phía Tây, dưới chân Núi Tản là dòng sông Đà uốn cong như dải lụa.
Từ quốc lộ rẽ vào chừng ba bốn cây số, nhìn về phía Ba Vì đã nhìn tán đa khổng lồ nổi bật dưới chân núi, vươn cao che phủ cả một khu vực rộng lớn. Sau cả ngàn năm, gốc đa đã chia thành những cụm thân lớn cả chục người ôm không xuể. Thân cây xù xì, lắm hang nhiều hốc, từ các cành ngang mọc ra các rễ phụ, như các cột trụ lớn tựa cột đình cắm sâu vào trong đất hỗ trợ thân chính chống đỡ sức nặng của cây khổng lồ này.
![]() |
Tác giả bên cây Đa ngàn tuổi. |
Hỏi thăm các cụ cao niên ở đây đều nhận được câu trả lời: Cụ Đa có từ lâu rồi, các cụ lớn lên đã thấy thế rồi, chắc phải đến ngàn năm, gắn liền với đền thờ Tản Viên Sơn Thánh. Vậy Tản Viên Sơn Thánh có từ bao giờ? Rằng, Tản Viên Sơn Thánh còn có tên gọi khác là Sơn Tinh, là người đã giành chiến thắng trong cuộc đua tranh giành nàng Mỵ Nương, con gái của Vua Hùng thứ 18 (Hùng Duệ Vương), cách đây cỡ hơn 2 ngàn năm. Thủy Tinh đem sính lễ muộn, Sơn Tinh dẫn Mỵ Nương theo trước, do đó Thủy Tinh nổi giận gây chiến tranh giành nàng Mỵ Nương.
Từ xưa, chuyện tranh giành gái đẹp đã xảy ra, khốc liệt còn hơn cả các cuộc chiến tranh giành lãnh thổ. Nay thời của tái thiết đất nước, truyền thuyết xưa được giải thích lại: Tản Viên Sơn Thánh là vị thánh biểu đạt cho những khả năng vô tận chiến đấu chống thiên tai, lũ lụt để bảo vệ mùa màng và cuộc sống. Thánh Tản là một trong "Tứ bất tử" - là tên gọi chung của bốn vị thánh bất tử trong tâm thức của người Việt Nam./.