![]() |
Bà Nguyễn Thị Doan - Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đề nghị làm rõ trách nhiệm thuộc về ai, không thể để hiện tượng "một mâm cơm 5 người quản lý". |
Ngày 17/4, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 3 khóa X để thảo luận, cho ý kiến một số nội dung trình tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, trong đó có dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp thứ 9.
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nêu việc người dân rất bức xúc về vấn đề sữa giả từ vụ phá đường dây gần 600 loại sữa giả vừa bị phát hiện cũng như thực trạng đáng lo về thức ăn đường phố.
Trong những câu chuyện này, theo bà, cần làm rõ trách nhiệm thuộc về ai, không thể để hiện tượng "một mâm cơm 5 người quản lý".
"Sản phẩm sữa Bộ Công Thương trả lời không thuộc đối tượng quản lý, thế ai quản lý 600 loại sữa này, ai quản lý thực phẩm thức ăn đường phố khi có 5.000-10.000 đồng/que thịt xiên bán ở cổng trường cho các cháu học sinh? Đây là vấn đề nổi lên hiện nay cần phải làm rõ", nguyên Phó Chủ tịch nước nói.
GS.TS Trần Ngọc Đường - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) cũng kiến nghị cần mạnh mẽ lên án, tìm giải pháp quyết liệt, có hiệu quả để giải quyết những vụ như gần 600 loại sữa giả vừa qua.
Ông dẫn lại việc hai doanh nghiệp Rance Pharma và Hacofood Group đã "lừa dân" trong 4 năm sản xuất, tiêu thụ 573 nhãn hiệu sữa bột giả các loại dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ mang thai, thu mức doanh thu gần 500 tỷ đồng.
"Họ dùng quảng cáo nêu thành phần chiết xuất từ tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột mắc ca, bột óc chó..., nhưng thực tế sản phẩm hoàn toàn không có những chất này. Tiếp tay lại là những nhân vật có tiếng trong showbiz, quảng cáo rất rầm rộ, lừa dân đến 4 năm liền", ông Đường nêu bức xúc và đề nghị cơ quan chức năng xử lý dứt điểm.
Chia sẻ với báo chí, PGS.TS, Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, về mặt hàm lượng dinh dưỡng, những loại sữa kém chất lượng, sữa giả có thể không bảo đảm cung cấp đủ năng lượng, các vitamin và khoáng chất đúng như bảng thành phần ghi trên vỏ hộp sữa. Thí dụ, nếu sử dụng sữa thiếu các thành phần như đã công bố lâu dài có thể sẽ thiếu hụt các chất dinh dưỡng, ảnh hưởng đến các giai đoạn phát triển đối với trẻ nhỏ. Trường hợp phụ huynh quá tin tưởng vào công dụng của các sản phẩm sữa được quảng cáo mà không đưa con đi khám sẽ dẫn đến nguy cơ bỏ qua giai đoạn trẻ được can thiệp dinh dưỡng kịp thời. PGS.TS, Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng cho biết, rất khó để xác định sữa thật, sữa giả bằng mắt thường nhưng khi mua sữa, người tiêu dùng nên đọc kỹ các thông tin trên bao bì, vỏ hộp như: tên sản phẩm; tên công ty và địa chỉ, số điện thoại liên hệ của nhà sản xuất; đơn vị nhập khẩu và phân phối; hạn sử dụng; bảng thành phần dinh dưỡng của sản phẩm;... Nếu là sữa nhập khẩu phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Không mua, sử dụng các sản phẩm sữa nếu thấy bao bì sản phẩm in lem nhem, không sắc nét; có dấu hiệu bị tẩy xóa hoặc hộp sữa bị móp méo, nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng… Bên cạnh đó, người tiêu dùng có thể tra cứu thông tin xem công ty sản xuất loại sữa đó đã có kinh nghiệm lâu năm chưa. Các thương hiệu sữa bột đó có phổ biến hay không. Nên ưu tiên mua những nhãn hiệu sữa đã được kiểm định và cấp phép bởi cơ quan chức năng và cần cẩn trọng với các sản phẩm sữa xách tay, hàng không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng... |