![]() |
Toàn cảnh Hội thảo chuyên đề. Ảnh ĐT. |
Sáng 24/2, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội (KHKT Hà Nội) phối hợp với Hội Chăn nuôi Việt Nam, Hội Phân bón Việt Nam và các hiệp hội ngành hàng liên quan tổ chức Hội thảo chuyên đề "Những bất cập trong thực hiện Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn (TCQC) kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (CLSPHH) trong lĩnh vực nông nghiệp".
Phát biểu tại hội nghị, TS. Lê Xuân Rao - Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Nội nhấn mạnh, với chủ đề "Những bất cập trong thực hiện Luật TCQC kỹ thuật và Luật CLSPHH trong lĩnh vực nông nghiệp là minh chứng cho việc phối hợp để cùng giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm trong quá trình triển khai các văn bản về Luật TCQC kỹ thuật, Luật CLSPHH. Hai luật này được Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng và được Quốc hội thông qua từ năm 2006 đối với Luật TCQC kỹ thuật và năm 2007 với Luật CLSPHH.
"Sau gần 20 năm triển khai thực hiện đã có tác động rất lớn đến toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh, vấn đề bảo đảm chất lượng, an toàn và thương hiệu của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên cho đến nay, đã bộc lộ nhiều bất cập, tồn tại cần sửa đổi, bổ sung kịp thời để phù hợp với xu thế phát triển của nền "Kinh tế toàn cầu", xu thế "Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới", đặc biệt trong thời kỳ đất nước đang bước vào "kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc". Ngoài ra, đây cũng là nội dung mà các Bộ, ngành có liên quan đã và đang đề xuất Quốc hội đưa vào Chương trình các Luật sửa đổi trong năm 2024 - 2025".
![]() |
TS. Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội. Ảnh ĐT. |
Theo TS. Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, một số quy định của Luật CLSPHH còn gặp khó khăn trong quá trình thực thi, cụ thể theo quy định tại Khoản 2 Điều 41 Luật CLSPHH "Căn cứ kết quả thử nghiệm, cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa kết luận người sản xuất, người bán hàng vi phạm quy định về chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì người sản xuất, người bán hàng phải trả chi phí lấy mẫu và thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa". Vấn đề này gây khó khăn cho lực lượng thi hành nhiệm vụ khi thu hồi khoản chi phí lấy mẫu và thử nghiệm do nghị định xử phạt không có quy định và không có hướng dẫn hình thức thu, nộp vào ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, một số TCVN, QCVN đã thông báo hết hiệu lực nhưng chưa được ban hành thay thế kịp thời; TCVN, QCVN đôi khi chưa bắt kịp xu hướng phát triển của xã hội; một số QCVN yêu cầu kiểm soát an toàn thực phẩm quy định rõ phương pháp phân tích, tuy nhiên một số trường hợp phương pháp phân tích đã hết hiệu lực trong khi đó QCVN vẫn còn hiệu lực; nhiều QCVN chưa đồng bộ, thống nhất trong các quy định hoặc đôi khi chưa được công bố rộng rãi... sẽ gây khó khăn cho địa phương trong việc triển khai áp dụng. Do đó, các cấp, các ngành cần rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật CLSPHH; trong đó sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 41 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chức năng thực hiện.
Tiếp đến, rà soát, thống nhất, bổ sung ban hành danh mục, chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật đối với sản phẩm thực phẩm và các QCVN và các TCVN về các sản phẩm chế biến, phối chế thực phẩm nông lâm thủy sản nhằm phục vụ công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về chất lượng, an toàn thực phẩm....
Theo TS. Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, những bất cập trong sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm, trong đó môi trường và điều kiện kinh doanh hàng hóa của Việt Nam chỉ thuộc tốp trung bình. Mặc dù rất thoáng ở tầm vĩ mô (chủ trương, nghị quyết, các FTA), nhưng vẫn còn một số hạn chế ở các quy định như thể chế pháp luật còn rườm rà, chưa thực sự phù hợp với yêu cầu phát triển và hội nhập. Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam kiến nghị Nhà nước, cơ quan chủ trì cần khảo sát, nghiên cứu những tồn tại, bất cập hiện hay trong sản xuất của các ngành, lĩnh vực và những yêu cầu đòi hỏi nâng tầm chất lượng, thương hiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam trong thời kỳ mới của phát triển và hội nhập.
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, cơ quan nghiên cứu và các doanh nghiệp đã tham gia ý kiến tập trung vào những tồn tại, khó khăn vướng mắc trong thực hiện Luật CLSPHH và Luật TCQC kỹ thuật; Một số lĩnh vực chuyên ngành sản xuất kinh doanh phân bón, sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú ý... nhằm tháo gỡ cho ngành nông nghiệp trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy sự phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn.