![]() |
Dự án hồ chứa nước Đông Thanh |
Dự án hồ chứa nước Đông Thanh do UBND huyện Lâm Hà làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 494 tỉ đồng từ ngân sách trung ương, cấp nước tưới cho 700 ha đất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho 7.500 hộ dân.
Dự án hồ chứa nước Đông Thanh đang phải tạm dừng thi công do sạt trượt nguy hiểm xảy ra vào tháng 8-2023, uy hiếp an toàn công trình cùng một số nhà dân gần đó. Các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng và đoàn chuyên gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khảo sát để lên phương án xử lý. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn chưa được xử lý dứt điểm sạt trượt và phải dừng thi công.
Bên cạnh đó, qua thanh tra đã phát hiện tổng số tiền nghiệm thu, thanh toán không đúng quy định tại 4 gói thầu của dự án hơn 663 triệu đồng. Trong đó số tiền sai phạm phải thu hồi gần 360 triệu đồng và số tiền phải rà soát, giảm trừ thanh toán do tính sai khối lượng hơn 303 triệu đồng.
UBND huyện Lâm Hà đã ban hành quyết định xử phạt hành chính Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Công trình công cộng 50 triệu đồng và Trung tâm khoa học và triển khai kỹ thuật thủy lợi 25 triệu đồng.
Liên quan sự việc, ngày 13/5, UBND huyện Lâm Hà đã có báo cáo UBND tỉnh. Trong đó có một số nhận định ban đầu về nguyên nhân của hiện tượng sạt trượt lở khu vực hồ chứa nước Đông Thanh, gồm 02 yếu tố chính như sau:
Yếu tố về nền địa chất xung yếu và bất ổn về mặt địa mạo: Nền địa chất xung yếu của khu vực: Vị trí sườn phải khu vực hồ Đông Thanh là nơi giao nhau của hai thành tạo địa chất cùng với việc khu vực nằm trong vùng nhiệt đới ẩm, mưa nhiều làm cho khu vực luôn có lượng ẩm đáng kể, các đá bị phong hóa tạo vỏ dày chứa nhiều vật liệu sét, bột, cát; vật chất cấu tạo các đới vỏ phong hóa không đồng nhất, mức độ chứa nước và lực dính kết khác nhau tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình sạt trượt lở. Ngoài ra, trong vùng có lượng nước dưới đất tương đối phong phú vận động trên bề mặt tầng không thấm nước (lớp đá gốc ổn định). Nước mưa thấm vào tầng gần bề mặt làm tăng trọng lượng của nó và làm giảm độ ổn định của sườn. Khi đạt tới bề mặt tầng chắn nước, chúng tích tụ lại và bắt đầu chảy ngầm theo bề mặt phân lớp, gây ra hiện tượng xói ngầm. Qúa trình xói ngầm càng mạnh vì bề mặt địa hình ngầm của tầng không thấm nước có dạng lõm nông nghiêng về phía chân sườn. Do tầng không thấm nước là sét nên khi bị thấm nước, nó trở nên trơn và dễ gây trượt.
![]() |
![]() |
Hình ảnh sự cố sạt trượt lở xung quanh dự án công trình hồ thủy lợi Đông Thanh năm 2023 |
Yếu tố bất ổn về mặt địa mạo: Cung trượt lở ở sườn Tây Bắc của công trình hồ thủy lợi Đông Thanh nằm phát triển trên một cung trượt lở cổ lớn với lịch sử phát triển địa chất ghi nhận nhiều thời kì hoạt động khác nhau trong giai đoạn từ đầu Pleistocen muộn đến nay. Ngoài ra, hoạt động trượt bằng trái của đới đứt gãy tại khu vực F.2, thuộc hệ đứt gãy Đà Lạt Đèo Cả (Gia Ray-Vạn Giã), kết hợp với chuyển động nâng – hạ của hai cấu trúc vòng, đã làm gia tăng mức độ biến dạng và bất ổn địa mạo tại khu vực vùng nghiên cứu...
Yếu tố kích hoạt, bất ổn về thời tiết: Tháng 6-8 năm 2023 (thời điểm trước khi xảy ra sạt trượt), khu vực Tây Nguyên có đợt mưa kéo dài trong hơn 20 ngày, đỉnh điểm là vào ngày 18/06/2023 tại trạm Nam Ban ghi nhận lượng mưa kỉ lục trong 106 mm/ngày (gấp hơn 10 lần lượng trung bình các ngày của tháng đó và khoảng 15 lần lượng trung bình ngày của các năm). Chính lượng mưa lớn và thời gian kéo dài đã làm cho nền địa chất khu vực bão hòa nước và kích hoạt khối trượt xảy ra. Tại các khu vực khác ở Tây Nguyên như Đắk Nông, Lâm Đồng,... trong thời gian này cũng đã ghi nhận nhiều hiện trạng sạt trượt lở liên quán đến bất ổn thời tiết trong khoảng thời gian này.
Các yếu tố kích hoạt khác khi thi công xây dựng Hồ chứa nước Đông Thanh như nổ mìn phá đá chân khay đập đất, mở móng tràn xả lũ, đầm rung, xe tải trọng lớn hoạt động liên tục trong quá trình thi công công trình gây chấn động, khi gặp thời tiết bất ổn như nêu trên làm cho khối trượt diễn tiến nhanh hơn.
Theo dự kiến, trong tháng 4/2025 UBND huyện Lâm Hà có báo cáo sơ bộ gửi UBND tỉnh và các Sở, Ngành liên quan về tính khả thi của việc tiếp tục triển khai thực hiện dự án hồ chứa nước Đông Thanh, huyện Lâm Hà (sơ bộ giải pháp cần xử lý để đảm bảo tính khả thi). Tuy nhiên, do địa chất khu vực xây dựng dự án được các đơn vị tư vấn đánh giá là tương đối phức tạp, để đảm bảo đầy đủ cơ sở khoa học cho việc xác định hiện trạng, nguyên nhân của khối trượt và giải pháp khắc phục đảm bảo an toàn cho khu vực sạt trượt và công trình đáp ứng mục tiêu của mà gói thầu theo chỉ đạo của UBND tỉnh cần phải tiếp tục phân tích mẫu nhằm cung cấp đầy đủ, chính xác các dữ liệu đầu vào, đầu ra liên quan đến đặc điểm địa chất, địa chất công trình và địa chất thủy văn. Những số liệu này là cơ sở quan trọng để đánh giá đúng hiện trạng và diễn biến của khối trượt, từ đó đề xuất các biện pháp phòng chống và khắc phục phù hợp, đáng tin cậy và đảm bảo cơ sở khoa học.
UBND huyện Lâm Hà cam kết chậm nhất đến ngày 20/6/2025 sẽ có báo cáo về tính khả thi của việc tiếp tục triển khai thực hiện dự án hồ chứa nước Đông Thanh, huyện Lâm Hà (sơ bộ giải pháp cần xử lý để đảm bảo tính khả thi) báo cáo UBND tỉnh và các Sở, Ngành liên quan để xin ý kiến tiếp tục triển khai thực hiện các công việc tiếp theo./.