Khi mùa xuân đến, hoa lê nở trắng rừng |
Xã Hồng Thái có khí hậu quanh năm mát mẻ, độ ẩm không khí 80 - 86%, được ví như Sapa hay Đà Lạt của Tuyên Quang với nhiệt độ trung bình 18,4 độ C, nơi đây có điều kiện lý tưởng cho việc phát triển cây lê đặc sản. Cây Lê ở Hồng Thái đã được trồng từ lâu. Theo đánh giá của sở Khoa học và Công nghệ Tuyên Quang thì độ ngọt của quả lê ở Hồng Thái là từ 8,5 đến 8,8%, tỷ lệ ăn được của quả lê là 77%, thành phần dinh dưỡng của lê Hồng Thái chẳng kém gì những loại lê nổi tiếng khác trong nước, còn có phần nổi trội hơn do được trồng ở khu vực núi cao, môi trường trong lành.
Hiện xã Hồng Thái có 106ha lê, trong đó có 20ha đã cho thu hoạch, với sản lượng trên 100tấn. Được trồng theo đúng quy trình kỹ thuật sạch, lê có vị ngọt thanh, thơm và rất giòn, trong mỗi trái lê còn chứa nhiều chất chống oxy hóa, chất xơ, và vitamin khiến cho người ăn không thể quên hương vị loại quả này.
Thời điểm này không khí thu hoạch lê đã bắt đầu rộn ràng trên khắp các thôn bản của xã Hồng Thái. Nơi đây với đặc thù khí hậu quanh năm mát mẻ, thổ nhưỡng phù hợp nên cây lê sinh trưởng, phát triển ổn định chính vì vậy người dân đã thu hái được những mùa trĩu “trái ngọt”.
Cây lê không chỉ mang lại thu nhập đáng kể cho người dân ở xã Hồng Thái mà còn góp phần đa dạng hoá các loại hình du lịch, từng bước thay đổi diện mạo xã vùng cao này. Chị Bàn Thị Thương, thôn Khâu Tràng, Xã Hồng Thái cho biết: Vào mùa thu hoạch, khi quả lê đã chín rộ và đều người dân bắt đầu thu hái quả, giống lê được trồng nhiều tại Hồng Thái là giống VH6 quả nâu, tròn mọng, ngọt với trọng lượng trung bình khoảng 200-300g/quả. 7 thôn bản của xã Hồng Thái đều trồng lê nhưng tập trung nhiều nhất ở thôn Khâu Tràng, người Dao tiền ở Khâu Tràng đã trồng lê từ nhiều đời nay, đây cũng là nơi còn lưu giữ được một số cây lê bản địa.
Nhiều du khách thích thú thưởng thức lê ngay tại vườn |
Đây là loại cây trồng khá phù hợp với điều kiện thời tiết của địa phương, quả lê khi chín giòn có vị chát nhẹ, đậm vị và mọng nước. Bình quân mỗi cây lê cho thu nhập khoảng 4 đến 5 triệu đồng/vụ cao hơn 1,5 lần so với các loại cây trồng khác trên cùng đơn vị
Cây lê vừa là cây thế mạnh vừa là cây đặc hữu bởi cả tỉnh chỉ có mỗi Hồng Thái trồng được loài cây này phù hợp với những vùng có độ cao trên 700m, khí hậu ôn hoà quanh năm. Hiện toàn xã có khoảng trên 2.000 cây đang cho quả, với giá bán dao động từ 10 nghìn đến 25 nghìn đồng/kg. Không chỉ vậy, cây lê còn có giá trị du lịch rất tốt đặc biệt vào mùa hoa nở đầu tháng 3 và mùa hái quả. Trung bình mỗi năm xã Hồng Thái đón hàng nghìn lượt du khách, đông nhất vẫn là thời điểm hoa nở. Mùa thu hoạch quả thì du khách đến nhiều vào thứ 7, chủ nhật kết hợp đi trải nghiệm. Hiện nay, xã đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng lê, đồng thời khôi phục giống lê bản địa với đặc tính thơm, ngọt. Đặc biệt lê bản địa ra hoa muộn hơn 1 tháng so với giống lai nên sẽ kéo dài được thời gian khai thác các hoạt động du lịch vào mùa hoa nở.
Chị Bàn Thị Đại, thôn Khâu Tràng, xã Hồng Thái cho biết: Lê được bán với giá 10.000đ/1kg tự hái và 15.000đ/kg nếu chủ vườn hái, mỗi ngày chị bán trên 100kg quả lê cho khách du lịch. Còn anh Đặng Xuân Cường, chủ vườn lê tại thôn Khâu Tràng vui vẻ kể, vụ lê năm nay, anh dự kiến thu về khoảng 80 triệu đồng.
Những cô gái miền sơn cước mặc trang phục truyền thống của người Dao Tiền, lưng đeo gùi mây, cùng với du khách đi dưới những tán lê xanh mướt, lựa cho bằng được những quả lê đến độ vào đường ngọt mát, căng tròn mới hái cho du khách. Mọi người không chỉ chiêm ngưỡng cuộc sống sinh hoạt thường nhật mà còn được hòa mình vào không khí của một mùa thu hoạch quả ngọt nơi miền “núi non xanh thắm”.
Bất cứ ai đã một lần đặt chân đến vùng đất này, chắc hẳn đều say lòng bởi những trải nghiệm du lịch, văn hóa đầy thú vị. Để rồi, quyến luyến chia tay, sẽ không thôi nhớ mãi mỗi độ thu về được chiêm gưỡng một bức tranh thiên nhiên muôn màu sắc, đó là vẻ đẹp của mùa lúa chín trên các thửa ruộng bậc thang, màu xanh của núi rừng, màu nâu của những trái lê chín mọng,…trong hành trang khám phá về một mảnh đất Na Hang huyền thoại.
Trong thời gian tới xã Hồng Thái sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện làm tốt công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật trong các khâu chăm sóc và bảo quản sau thu hoạch cho người trồng lê. Đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá giới thiệu sản phẩm thương hiệu Lê Hồng Thái để sản phẩm lê ngày càng được nhiều người biết đến là cây trồng chủ lực góp phần nâng cao thu nhập ở địa phương.