Chi hội Nông nghiệp hữu cơ đầu tiên đưa vào trường Đại học
Thái Nguyên có nhiều điều kiện thuận lợi và tiềm năng sẵn có để sản xuất hữu cơ. Bởi, sản phẩm hữu cơ rất có giá trị và quan trọng với tỉnh. Đây là một trong những bước đi cần thiết để củng cố thương hiệu và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm tỉnh đang hướng đến.
Cụ thể, trong lĩnh vực trồng trọt, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu có 10.000 ha cây quế tập trung vào các huyện Định Hóa và huyện Võ Nhai. Hiện nay, cây trồng này đã đạt khoảng gần 4.000 ha.
Ngoài ra, Thái Nguyên cũng quan tâm phát triển cây chè, cây ăn quả nhưng diện tích bị phân tán nhỏ lẻ, không tập trung. Hiện tỉnh mới hình thành được một số vùng trồng cây ăn quả hữu cơ tại huyện Võ Nhai và một số ít sản phẩm rau hữu cơ.
![]() |
Thái Nguyên tiềm năng phát triển NNHC từ những cây chủ lực. |
Chi hội Nông nghiệp hữu cơ Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên là đơn vị trực thuộc của Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, được ra đời với các đặc thù về chuyên môn của Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên đào tạo chuyên sâu về các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi môi trường và phát triển nông thôn cho các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc và trong cả nước
Theo GS.TS Đào Thanh Vân, Chủ tịch Chi hội Đại học Nông lâm Thái Nguyên cho biết: Với sứ mệnh và nhiệm vụ quan trọng là truyền tải các nhận thức đúng đắn về nông nghiệp hữu cơ (NNHC) tới cộng đồng, trước hết các sinh viên, học viên theo học các ngành liên quan đến NNHC tại nhà trường và các hội viên của Chi hội trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Bên cạnh đó Chi hội còn tham gia các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu, tư vấn, phản biện và giám sát xã hội về những vấn đề liên quan đến nông nghiệp hữu cơ. Cùng với đó là tổ chức đào tạo, tập huấn các kiến thức và kỹ năng trong sản xuất NNHC. Tham gia đóng góp ý kiến và kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền đối với những vấn đề liên quan đến sự phát triển NNHC trên địa bàn tỉnh.
![]() |
GS.TS. Đào Thanh Vân, Chủ tịch Chi hội Nông nghiệp Hữu cơ Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên |
Với các đặc thù về chuyên môn chuyên ngành, sự ra đời của Chi hội NNHC Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên là rất cần thiết nhằm tập hợp các hội viên cùng tham gia hoạt động trong lĩnh vực NNHC, góp phần thúc đẩy và phát triển bền vững nông nghiệp hữu cơ trong nước và trên thế giới.
Nông nghiệp hữu cơ – Tương lai tươi sáng
Theo GS.TS. Đào Thanh Vân, Chủ tịch Chi hội Nông nghiệp hữu cơ Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên cho biết: Tỉnh Thái Nguyên được coi là cái nôi của phong trào NNHC của đất nước. Ngay từ năm 1998, tổ chức phi chính phủ CIDSE của Hà Lan đã triển khai các hoạt động về NNHC đối với cây chè tại xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, đây là các tiền đề và kinh nghiệm quan trọng trong việc định hướng đối tượng và phương thức các hoạt động NNHC ở Thái Nguyên.
Tỉnh Thái Nguyên cũng đã xây dựng và thực hiện đề án “Phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030” trong đó cây chè, cây quế, cây na… được xác định là cây trồng chủ lực, có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất các sản phẩm hữu cơ.
Đồng thời tỉnh đã có các cơ chế chính sách cụ thể trong phát triển các sản phẩm NNHC (Hỗ trợ vật tư, trang thiết bị, chứng nhận hữu cơ, quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm hữu cơ…).
![]() |
TSKH. Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam (thứ 2 từ phải sang) trao quyết định thành lập Chi hội Nông nghiệp hữu cơ Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên cho GS.TS Đào Thanh Vân (thứ 2 từ trái sang) |
GS.TS. Đào Thanh Vân cho biết thêm Thái Nguyên có Trường Đại học Nông Lâm với đội ngũ cán bộ giảng dạy giàu kinh nghiệm, được đào tạo ở nhiều nước có nền NNHC phát triển trên thế giới như: Úc, Hà lan, Mỹ, Nhật Bản, New-Zealand… rất thuận lợi cho việc truyền tải và xúc tiến các hoạt động về NNHC ở địa bàn. Đến nay, Chi hội NNHC Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên được thành lập và đi vào hoạt động, đó là các cơ hội thuận lợi để thúc đẩy phong trào NNHC tại tỉnh Thái Nguyên và trong khu vực.
Cũng theo GS.TS. Đào Thanh Vân, Nông nghiệp hữu cơ có vai trò quan trọng trong đời sống, kinh tế nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, nâng cao chất lượng cuộc sống, giữ gìn cân bằng sinh thái, bảo vệ môi trường, mang lại giá trị gia tăng, bền vững.
Hiện nay sản xuất và sử dụng các sản phẩm hữu cơ là xu hướng toàn cầu, được các nước chú trọng phát triển để mang lại chất lượng của cuộc sống ngày càng cao của con người.
Trên thế giới, Liên đoàn các phong trào NNHC quốc tế (IFOAM) được thành lập năm 1972 với 130 nước thành viên và có nhiều nước đi đầu trong sản xuất NNHC: New-Zealand, Úc, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Tại Việt Nam, Hiệp hội NNHC Việt Nam (VOAA) được thành lập năm 2011 và đã có nhiều thành tựu trong phát triển phong trào NNHC trong cả nước.
Tiến tới Đại hội lần thứ III của Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam sẽ được tổ chức trong thời gian tới, với cương vị là Chủ tịch Chi hội NNHC Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên GS.TS. Đào Thanh Vân luôn mong muốn Đại hội lần thứ III của Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam thành công tốt đẹp, là ngày hội của các cá nhân và tổ chức đang thực hiện các hoạt động thiết thực trong phong trào NNHC của cả nước, kết nối, hòa nhập với phong trào NNHC thế giới để khẩu hiệu “Nông nghiệp hữu cơ – Tương lai tươi sáng” sớm hiện hữu trên toàn quốc.
Quốc Tùng