Tôi mãi nhớ chuyến đi Lai Châu cùng Doanh nhân Bùi Thị Hạnh Hiếu, TGĐ Công ty Bảo Minh tìm đồng đất để thực hiện dự án trồng cấy 200 héc ta lúa hữu cơ. TSKH. Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam cùng đoàn công tác bôn ba đến các huyện Tam Đường, Phong Thổ (Lai Châu)… tìm tới tận các chân ruộng để khảo sát. Nhà khoa học, sau khi nhìn nguồn nước, quan sát các thửa ruộng đều lắc đầu, đi tiếp. Sau này tôi mới hiểu, vùng đất ấy đã bị ô nhiễm nguồn nước do dùng nhiều phân bón hóa học, thuốc trừ sâu. Nhưng khi qua một khu ruộng ở Phong Thổ, ông cười vui và chỉ cho tôi một con cua đang bò lên một gốc rạ xâm xấp nước. Gần đó, có mấy chú cá cờ tung tăng bơi lội. TSKH. Hà Phúc Mịch giảng giải: Đây là chân ruộng có thể cải tạo, sớm đưa vào trồng cấy lúa hữu cơ vì đất và nước chưa bị ô nhiễm. Nhìn những sinh vật như con cua đang ngoi lên kia, con cá cờ đang bơi lội kia có thể thấy đất và nước không bị ô nhiễm.
Bất chợt tôi nghĩ đến bài thơ Hạt gạo làng ta của Nhà thơ Trần Đăng Khoa có đoạn:
Hạt gạo làng ta
Có bão tháng bảy
Có mưa tháng ba
Giọt mồ hôi sa
Những trưa tháng sáu
Nước như ai nấu
Chết cả cá cờ
Cua ngoi lên bờ
Mẹ em xuống cấy...
Ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã được cô giáo giảng: “Hạt gạo làng ta” là hình ảnh mang tính biểu tượng, hạt gạo hay cũng chính là những hạt ngọc của quê hương. Qua bài thơ, Trần Đăng Khoa gửi gắm sự biết ơn đến những người nông dân hai sương một nắng, chân lấm tay bùn để làm ra những hạt gạo quý giá…
Cùng thế hệ và cùng sinh ra, lớn lên ở vùng châu thổ sông Hồng màu mỡ tuổi thơ ngày ấy chỉ mong được ăn một bát cơm đầy, tôi càng thấu từng câu của nhà thơ mới 11 tuổi . Ngày hè nắng lửa, tôi cũng từng như nhà thơ đi gánh phân ra đồng, tát nước gầu giai nên càng trân quý từng hạt gạo củ khoai, thấm mồ hôi người trồng cấy.
![]() |
Nhà thơ Trần Đăng Khoa. Ảnh TL |
Hôm nay bôn ba tìm kiếm vùng đất để trồng lúa hữu cơ, tôi thầm đọc bài thơ Hạt gạo làng ta và nghĩ rằng đó là bài thơ hữu cơ nhất.
Bài thơ có đoạn:
Hạt gạo làng ta
Có công các bạn
Sớm nào chống hạn
Vục mẻ miệng gàu
Trưa nào bắt sâu
Lúa cao rát mặt
Chiều nào gánh phân
Quang trành quết đất
Rõ ràng cách canh tác cũng thật hữu cơ: Bắt sâu hại lúa, gánh phân chuồng, phân xanh hữu cơ bón lúa. Và những cây lúa ấy được nuôi dưỡng bằng hạt phù sa của sông Kinh Thầy. Cánh đồng lúa ấy chắc hẳn là những cánh đồng lúa hữu cơ. Hạt gạo gửi ra chiến trường cho người chiến sĩ cũng là hạt gạo hữu cơ đúng nghĩa.
Trên đường về, tôi nêu suy nghĩ của mình với TSKH. Hà Phúc Mịch, người cũng rất yêu văn chương. Ông gật gù, rồi bảo: "Lúc nào viết nhé. Vui đấy!”
![]() |
TSKH. Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam cùng đoàn công tác đến các huyện Tam Đường, Phong Thổ (Lai Châu) tìm tới tận các chân ruộng khảo sát trồng lúa hữu cơ. Ảnh Trung Hiền |
Cách đây không lâu, tôi có gọi điện cho Nhà thơ Trần Đăng Khoa và nêu nhận xét của mình. Nhà thơ cười: Nhà báo bây giờ truyền thông về nông nghiệp hữu cơ mà nhận xét bài thơ ấy của tôi là rất hữu cơ, quả là tôi thấy vui lắm, chẳng khác nào được ăn bát cơn thơm mùa gặt trên cánh đồng quê hương Quốc Tuấn thủa nào.
Hạt gạo làng ta
Kính tặng chú Xuân Diệu
Hạt gạo làng ta
Có vị phù sa
Của sông Kinh Thầy
Có hương sen thơm
Trong hồ nước đầy
Có lời mẹ hát
Ngọt bùi đắng cay…
Hạt gạo làng ta
Có bão tháng bảy
Có mưa tháng ba
Giọt mồ hôi sa
Những trưa tháng sáu
Nước như ai nấu
Chết cả cá cờ
Cua ngoi lên bờ
Mẹ em xuống cấy...
Hạt gạo làng ta
Những năm bom Mỹ
Trút trên mái nhà
Những năm cây súng
Theo người đi xa
Những năm băng đạn
Vàng như lúa đồng
Bát cơm mùa gặt
Thơm hào giao thông…
Hạt gạo làng ta
Có công các bạn
Sớm nào chống hạn
Vục mẻ miệng gàu
Trưa nào bắt sâu
Lúa cao rát mặt
Chiều nào gánh phân
Quang trành quết đất
Hạt gạo làng ta
Gửi ra tiền tuyến
Gửi về phương xa
Em vui em hát
Hạt vàng làng ta…
Trần Đăng Khoa sinh năm 1958, quê ở Ðiền Trì, xã Quốc Tuấn, huyện Nam Thanh, Hải Dương. Ông được biết đến vai trò là một nhà thơ, nhà báo, biên tập viên của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Từ nhỏ, ông đã nổi tiếng là một thần đồng thơ văn, lên tám tuổi đã có thơ được đăng báo. Năm 1968, khi mới chỉ mười tuổi, tập thơ đầu tay là “Từ góc sân nhà em” được NXB Kim Đồng cho xuất bản. Ông ba lần được tặng giải thưởng thơ của báo Thiếu niên Tiền phong (các năm 1968, 1969, 1971), Giải nhất báo Văn nghệ (1982) và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (năm 2000). Một số tác phẩm tiêu biểu của ông: Từ góc sân nhà em (thơ, 1968) Góc sân và khoảng trời (thơ, 1968) Thơ Trần Ðăng Khoa (tập 1, 1970) Khúc hát người anh hùng (trường ca, 1974) Trường ca Giông bão (trường ca, 1983) Chân dung và đối thoại (tiểu luận phê bình, 1998)... |