Lò mổ tự phát của ông Đoàn Văn Trường tại khu 5, thôn Triều Đông, thị trấn Tiên Lãng. |
Anh Phạm Văn Thắng hộ dân ở sát cạnh lò giết mổ cho biết: Hoạt động giết mổ lợn tại nhà ông Đoàn Văn Trường đã diễn ra khoảng 1 năm nay. Mỗi ngày, lò mổ này giết khoảng hơn chục con lợn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân xung quanh. Do lò mổ này nằm ở ngay trong khu dân cư, hoạt động giết mổ chủ yếu diễn ra từ 00h đêm đến 4h sáng, tiếng lợn kêu, máy xay giò, lái buôn đến lấy hàng cười nói ồn ào cả khoảng thời gian đó. Khiến cuộc sống của nhà tôi và các hộ xung quanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng tới thời gian nghỉ ngơi.
Phóng viên làm việc với các hộ dân chịu ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt từ lò giết mổ của ông Đoàn Văn Trường. |
Tường nhà nằm sát vách với lò giết mổ nên gia đình anh Thắng luôn bị "tra tấn" bởi mùi hôi thối và tiếng gia súc kêu la phát ra từ lò mổ. Hằng ngày, gia đình anh và các hộ xung quanh phải bít kín hết cửa do mùi hôi thối từ lò mổ và khu nhốt gia súc bốc lên. Anh Thắng chia sẻ .
Tường nhà nằm sát vách với lò giết mổ nên gia đình anh Thắng luôn bị "tra tấn" bởi mùi hôi thối và tiếng gia súc kêu la phát ra từ lò mổ |
Bà Nguyễn Thị Nụ hộ gia đình sinh sống phía sau khu vực lò giết mổ lợn cho biết:: “Gia đình tôi có trẻ nhỏ và người cao tuổi, việc giết mổ cứ triền miên cả năm nay, thời gian giết mổ thì đúng vào tầm đêm, khoảng thời gian mà người lao động cần phải nghỉ ngơi. Đến bữa cơm dọn ra thì ruồi, nhặng lũ lượt kéo đến rất mất vệ sinh”.
Ông Vĩnh người sinh sống ngay gần đầu mương thoát nước thải chia sẻ thêm: “Mỗi lần giết mổ lợn nước thải từ khu vực lò mổ chảy ra trực tiếp ra đường mương thoát nước, tiết lợn, mỡ lợn... trôi theo ra mương ứ đọng lâu ngày bốc mùi hôi thối nồng nặc rất khó chịu”.
Người dân phản ánh với phóng viên mỗi lần giết mổ lợn nước thải từ khu vực lò mổ nhà ông Đoàn Văn Trường chảy ra trực tiếp ra đường mương thoát nước, tiết lợn, mỡ lợn... trôi theo ra mương ứ đọng lâu ngày bốc mùi hôi thối nồng nặc rất khó chịu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường. |
Theo cán bộ UBND thị trấn Tiên Lãng cho biết: “Sau khi nhận được ý kiến phản ánh của người dân, UBND thị trấn đã kết hợp cùng trưởng thôn xuống khu vực lò mổ kiểm tra, xác minh. Tuy nhiên, để kết luận việc ảnh hưởng tới môi trường, tiếng ồn thì chúng tôi chưa có kết luận. Về việc đơn thư phản ánh của bà con UBND thị trấn đã báo cáo với phòng TNMT huyện Tiên Lãng để kết hợp cùng để xem xét về vấn đề phản ánh của người dân, giải quyết theo nguyện vọng của nhân dân. Chúng tôi sẽ tích cực xử lý theo đúng quy định của pháp luật”.
Trong khi chờ đợi chính quyền địa phương và cơ quan chức năng xử lý thì nhiều hộ dân ở khu 5, thôn Triều Đông, thị trấn Tiên Lãng, huyện Tiên Lãng đang phải ngày đêm “chống chọi” với ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống sinh hoạt do cơ sở giết mổ lợn này gây ra. Đề nghị UBND huyện Tiên Lãng cần kiểm tra làm rõ theo đơn thư phản ánh để sớm ổn định lại đời sống sinh hoạt cho nhân dân.
Tòa soạn Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Theo quy định tại khoản 4, điểm b khoản 13 Điều 20 Nghị định 90/2017/NĐ-CP, được sửa đổi bới điểm c khoản 8 Điều 2 Nghị định 04/2020/NĐ-CP, khoản 2 Điều 3 Nghị định 04/2020/NĐ-CP về vi phạm về vận chuyển, kinh doanh, thu gom, lưu giữ, kiểm soát giết mổ động vật trên cạn; sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật để kinh doanh như sau: Vi phạm về vận chuyển, kinh doanh, thu gom, lưu giữ, kiểm soát giết mổ động vật trên cạn; sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật để kinh doanh ... 4. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi giết mổ động vật tại địa điểm không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. ... 13. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc phải kiểm tra vệ sinh thú y sản phẩm động vật đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 6 Điều này. Trong trường hợp kiểm tra vệ sinh thú y không đạt yêu cầu buộc phải tiêu hủy hoặc xử lý nhiệt chuyển đổi mục đích sử dụng sản phẩm động vật đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 6 Điều này; b) Buộc xử lý nhiệt chuyển đổi mục đích sử dụng sản phẩm động vật đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 4, khoản 7 và khoản 8 Điều này; c) Buộc tiêu huỷ động vật, sản phẩm động vật đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5, khoản 9, khoản 10 và khoản 11 Điều này. Căn cứ khoản 2 Điều 4 Nghị định 90/2017/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 3 Nghị định 07/2022/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền như sau: Quy định về mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền 1. Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực thú y là 50.000.000 đồng đối với cá nhân và 100.000.000 đồng đối với tổ chức. 2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt tiền được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện, trừ trường hợp quy định tại các Điều 22, khoản 3 Điều 24, khoản 5 Điều 27, khoản 1 Điều 28, Điều 29, Điều 30, Điều 31, Điều 32 và Điều 33 của Nghị định này. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 (hai) lần mức phạt tiền đối với cá nhân 3. Thẩm quyền xử phạt tiền của các chức danh quy định tại Chương III của Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt đối với tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân. Theo quy định trên, hành vi giết mổ động vật tại địa điểm không được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với cá nhân và từ 12.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với tổ chức. Đồng thời người vi phạm còn bị buộc xử lý nhiệt chuyển đổi mục đích sử dụng sản phẩm động vật đối với hành vi vi phạm. |