![]() |
EU sẽ áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất chặt chẽ hơn đối với hàng nông sản nhập khẩu - Ảnh minh họa. |
Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị một cuộc cách mạng trong chính sách nông nghiệp của mình, với trọng tâm là thắt chặt kiểm soát đối với thực phẩm nhập khẩu. Kế hoạch chi tiết, dự kiến được công bố vào ngày 19/2, không chỉ nhằm xoa dịu những bất bình của nông dân trong bối cảnh cạnh tranh thương mại toàn cầu, mà còn là một bước đi chiến lược để bảo vệ ngành nông nghiệp châu Âu trước sức ép từ bên ngoài.
Ủy ban châu Âu (EC) sẽ công bố một kế hoạch chi tiết mới, "Tầm nhìn về Nông nghiệp và Thực phẩm". Kế hoạch này hứa hẹn sẽ giải quyết một loạt các mối quan ngại của giới nhà nông, như gánh nặng pháp lý, sự sụt giảm doanh thu và sự cạnh tranh không lành mạnh từ các đối thủ nước ngoài.
Một trong những thay đổi đáng chú ý nhất là việc EU sẽ áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất chặt chẽ hơn đối với hàng nông sản nhập khẩu. Điều này nhằm đảm bảo rằng ngành nông nghiệp EU không bị "thua thiệt" trong cuộc cạnh tranh toàn cầu. Cụ thể, EU sẽ ngăn chặn các loại thuốc trừ sâu độc hại nhất, đã bị cấm sử dụng trong khối vì lý do sức khỏe và môi trường, "trở lại" thị trường thông qua các sản phẩm nhập khẩu.
Tuy nhiên, bản dự thảo kế hoạch không nêu rõ thời gian thực hiện cụ thể, cũng như các sản phẩm hoặc quốc gia nào có thể bị ảnh hưởng. Điều này khiến dư luận không khỏi lo ngại về khả năng EU sẽ cấm một số mặt hàng nhập khẩu, gây ra những xáo trộn không nhỏ trong bối cảnh căng thẳng thương mại đang leo thang trên toàn cầu. Theo tờ Financial Times, các loại cây trồng của Mỹ như đậu tương có thể là mục tiêu của kế hoạch này, sau khi chính quyền Mỹ công bố các mức thuế có thể ảnh hưởng đến hàng xuất khẩu của châu Âu.
Kế hoạch "Tầm nhìn về Nông nghiệp và Thực phẩm" cũng cam kết cải cách Chính sách Nông nghiệp Chung (CAP) của EU, giảm bớt các thủ tục hành chính và hướng các khoản trợ cấp đến đúng đối tượng là những nông dân thực sự cần hỗ trợ nhất. Điều này cho thấy EU sẽ từ bỏ hệ thống hỗ trợ tài chính dựa trên quy mô trang trại, vốn ưu tiên những người sở hữu đất lớn. Bà Celia Nyssens-James của Văn phòng Môi trường châu Âu nhận định đây là một sự thay đổi lớn, bởi các khoản trợ cấp nông nghiệp của EU là rất lớn và được các nước nông nghiệp như Pháp, Ireland và các quốc gia Đông Âu đánh giá cao. Khoảng 387 tỷ euro (460 triệu USD) đã được dành cho nông nghiệp trong ngân sách của EU cho giai đoạn 2021-2027.
Với kế hoạch mới này, các cuộc đàm phán về CAP tiếp theo cho giai đoạn 2028-2034 được dự đoán sẽ là một trong những chủ đề "nóng" nhất trong nhiệm kỳ thứ hai của Chủ tịch EC Ursula von der Leyen. Bên cạnh đó, EU cũng sẽ đơn giản hóa quy trình tiếp cận nguồn vốn cho các nông hộ vừa và nhỏ, tinh giản các điều kiện và thủ tục kiểm soát. Kế hoạch cũng kêu gọi EU giảm sự phụ thuộc và đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đặc biệt là nhập khẩu phân bón từ Nga.
Ngành nông nghiệp đóng góp 1,3% vào GDP của EU trong năm 2023. Ngành thực phẩm nông nghiệp của châu Âu tạo việc làm cho 30 triệu người, chiếm 15% tổng số việc làm trong EU.