Sầu riêng được mùa, được giá, nông dân phấn khởi vì có vụ mùa bội thu.
Chúng tôi đến thăm vườn sầu riêng của gia đình ông Nguyễn Thanh Quý (xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) khi đang thu hoạch chính vụ.
Ông Quý phấn khởi khoe: “Gia đình tôi có 5 công sầu riêng. Năm nay, sản lượng không cao hơn năm trước, nhưng giá cao hơn, gia đình tôi vô cùng phấn khởi. Hiện nay, sầu riêng trong vườn nhà đã có đầu ra ổn định. Có bao nhiêu thương lái mua hết”. Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn, ông Quý cho biết, cây sầu riêng bắt đầu bén duyên với gia đình cách đây hơn 10 năm.
Trong dịp đến tham quan vườn cây ăn trái ở tỉnh Bến Tre, ông Quý mua thử nghiệm vài cây giống về trồng. Một thời gian, nhận thấy cây phù hợp điều kiện thổ nhưỡng địa phương, ông quyết định chuyển đổi 5 công đất đang trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sầu riêng.
Giống sầu riêng Ri6 mà ông Quý lựa chọn có trái dạng thuôn tròn, da xanh. Trái khi chín có trọng lượng khoảng 3 - 5kg; cơm khô ráo, thịt dày màu vàng tươi, vị ngọt và béo, hương thơm vừa phải. Khi mới xuống giống, ông trồng thêm chanh để “lấy ngắn nuôi dài”, tạo thu nhập thường xuyên. Khi cây sầu riêng đã cho trái, ông Quý cắt bỏ dần cây chanh.
Cây sầu riêng, trồng sầu riêng giúp nhiều nông dân huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang có thu nhập tốt hơn, qua đó cuộc sống ổn định hơn.
Để nâng cao hiệu quả trong quá trình canh tác, ông mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới nước tự động, giúp chủ động thời gian, tiết kiệm nhân công, chi phí, vừa đảm bảo cây ướt đều với lượng nước vừa đủ. “Hiện nay, đầu ra của trái sầu riêng tương đối ổn định. Thương lái ở tỉnh Bến Tre đến tận vườn thu mua với giá khá cao. Năm 2023, giá sầu riêng 80.000 đồng/kg.
Đầu vụ năm nay, sầu riêng Ri6 được thu mua giá 100.000 đồng/kg, sầu riêng Mongthong giá 120.000 đồng/kg. Với sản lượng thu hoạch khoảng 10 tấn trái, lợi nhuận mang lại rất khả quan. Hiện, tôi tiếp tục mở rộng diện tích canh tác loại cây trồng này” - ông khẳng định.
Tại xã Long Kiến, nông dân trồng sầu riêng cũng phấn khởi khi được mùa, được giá. Trong đó, gia đình anh Lê Trường Giang là một điển hình.
Trước đây, kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào việc trồng rau màu và lúa. Tuy nhiên, việc canh tác các loại cây trồng này gặp nhiều khó khăn do tình trạng “được mùa, mất giá” thường xuyên xảy ra. Ngoài ra, việc thay đổi thời tiết bất thường, sâu bệnh gây hại... ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng cây trồng.
Trước thực trạng trên, sau khi tham khảo các mô hình làm ăn hiệu quả trên mạng, thực tế của nhiều địa phương, anh Giang mạnh dạn chuyển đổi 1ha đất trồng cây sầu riêng Ri6. Cây giống được anh mua trực tiếp tại cơ sở cung cấp cây giống uy tín tại tỉnh Bến Tre. Khác với nhiều loại cây trồng tại địa phương, sầu riêng đòi hỏi nhiều công chăm sóc lẫn kỹ thuật canh tác.
Anh Giang tích cực học hỏi trên phương tiện truyền thông, người có kinh nghiệm trong và ngoài địa phương, rồi áp dụng vào vườn cây.
Cây sầu riêng từ lúc trồng đến thu hoạch khoảng 3 năm. Muốn đạt năng suất cao, ngoài việc sử dụng nước tưới, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, anh Giang còn tăng cường bón phân hữu cơ, dưỡng cỏ để giữ ẩm cho gốc cây…
Nhờ tích cực chăm sóc, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, diện tích sầu riêng của gia đình sinh trưởng và phát triển đồng đều; cho năng suất cao, chất lượng trái đẹp, đồng đều, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Hiện nay, gia đình anh đang bước vào vụ thu hoạch sầu riêng, năng suất ước đạt 1 tấn/công. Sầu riêng được thương lái thu mua với giá 65.000 đồng/kg, cao hơn thời điểm năm rồi.
Anh chia sẻ thêm: “Năm nay, tình hình canh tác gặp khó khăn, do nắng nóng kéo dài, kéo theo chi phí sản xuất tăng. Tuy nhiên, năng suất và chất lượng trái được đảm bảo nên gia đình tôi rất phấn khởi. Càng phấn khởi hơn khi sầu riêng được thương lái thu mua với giá cao”.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia nông nghiệp, để sầu riêng phát triển bền vững, nông dân cần áp dụng giải pháp kỹ thuật theo hướng hữu cơ, sinh học, chất lượng cao để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Đồng thời, xây dựng vùng trồng tập trung, tạo mối liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, không ồ ạt phát triển diện tích trồng, tránh tình trạng cung vượt cầu.